Người đốn gỗ ở Peru bị trúng tên sau cuộc chạm trán với bộ lạc biệt lập
(Dân trí) - Thi thể của một người khai thác gỗ được tìm thấy sau khi anh này chạm trán với bộ lạc Mashco-Piro tại Peru trong khi đang đi câu cá.
Guardian đưa tin, thi thể của Gean del Aguila, 21 tuổi, được phát hiện hôm 25/8 sau cuộc tìm kiếm quy mô lớn kéo dài 4 ngày của lực lượng tìm kiếm gồm cảnh sát, hướng dẫn viên bản địa và nhân viên công ty khai thác gỗ.
Aguila mất tích hôm Chủ nhật tuần trước sau cuộc chạm trán với các thành viên của bộ lạc Mashco-Piro trong khi đang câu cá cùng Genis Huayaban, 54 tuổi. Huayaban cũng bị thương do trúng một mũi tên trong cuộc chạm trán.
Hai người nói trên đi câu trên sông Tahuamanu, trong một khu vực được gọi là phần mở rộng của Khu bảo tồn lãnh thổ Madre de Dios, giáp ranh với khu nhượng quyền khai thác gỗ do công ty khai thác gỗ Maderera Canales Tahuamanu điều hành.
Cái chết của người khai thác gỗ bị bắn bằng mũi tên đã nêu bật cuộc xung đột ngày càng tăng xung quanh khu bảo tồn người bản địa của một bộ tộc bản địa tự nguyện sống cô lập từ lâu trên biên giới Amazon phía đông nam của Peru giáp với Brazil.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa công ty khai thác gỗ và liên đoàn bản địa địa phương Fenamad, vốn cáo buộc công ty này khiến bộ lạc Mashco-Piro gặp rủi ro thông qua việc xâm nhập trái phép vào khu bảo tồn bản địa để khai thác gỗ, điều mà công ty bác bỏ.
Julio Cusurichi, chủ tịch liên đoàn Fenamad, đại diện cho 39 cộng đồng bản địa tại các vùng Cusco và Madre de Dios, cho biết: "Chúng tôi đã cảnh báo chính quyền rằng những vụ việc như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Không thể có các hoạt động kinh tế trong vùng lãnh thổ bản địa biệt lập, vì rủi ro cao cho cả hai bên và vì nó đi ngược lại nguyên tắc không tiếp xúc… Họ là những người rất dễ bị tổn thương".
Công ty khai thác gỗ đã kiện Fenamad về sự phỉ báng vì các cáo buộc của họ và một tòa án đã yêu cầu liên đoàn phải cải chính đơn kiện, nộp phạt 20.000 sole Peru (tương đương 4.450 bảng Anh). Fenamad đang kháng cáo quyết định này.
Công ty khai thác gỗ đã phản đối quyết định năm 2016 nhằm mở rộng khu bảo tồn của người bản địa sống biệt lập vì cho rằng nó chồng chéo lên các nhượng quyền lâm nghiệp.
Bất chấp những lo ngại về sức khỏe của những người sống biệt lập, vốn có rất ít hoặc không có khả năng miễn dịch đối với các bệnh thông thường như cúm hoặc cảm lạnh, Bộ Y tế Peru vào năm 2020 đã cho phép công ty trên tiếp tục hoạt động trong khu vực.
Luis Felipe Torres, một nhà nhân chủng học người Peru chuyên nghiên cứu về những người bản địa sống biệt lập, cảnh báo: "Mối nguy hiểm khi tiếp xúc là lây truyền bệnh tật cũng như những cuộc đối đầu có thể xảy ra".
Trên thế giới, châu Mỹ là nơi có số lượng lớn nhất các dân tộc bản địa sống trong tình trạng biệt lập và rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Peru, cùng với Brazil và Paraguay, là một trong số ít các quốc gia có người bộc lạc sinh sống.
Khoảng 15 bộ lạc sống biệt lập, lên tới 15.000 thành viên, được cho là sống trong những khu rừng rậm ở vùng rừng Amazon tại Peru. Họ ngày càng bị đe dọa bởi những con đường mở vào rừng nhiệt đới Amazon, nơi diễn ra các hoạt động buôn bán ma túy, khai thác vàng và gỗ trái phép. Các cuộc chạm trán ngày càng gia tăng đã dẫn đến một số vụ xô xát chết người trong những năm gần đây.