1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người đàn ông Nhật nhận 100 trẻ em Việt Nam làm "con nuôi"

(Dân trí) - Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2016, ông Ryotaro Sugi đã thông báo quyết định nhận thêm 10 trẻ em mồ côi tại làng trẻ em Birla Hà Nội làm con nuôi. Trước đó, 90 trẻ em cũng tại làng trẻ này đã trở thành con nuôi của ông trong nhiều năm qua kể từ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên năm 1988.


Ông Ryotaro Sugi thăm làng trẻ em Birla Hà Nội ngày 14/5.

Ông Ryotaro Sugi thăm làng trẻ em Birla Hà Nội ngày 14/5.

Ông Sugi Ryotaro hiện là Đại sứ đặc biệt Nhật-Việt, và cũng là nam ca sĩ, diễn viên nổi tiếng tại Nhật Bản. Ông là người bạn thân thiết của Việt Nam nhiều năm qua, với tình cảm đặc biệt dành cho đất nước hình chữ S.

Nghệ sĩ Nhật Bản đã đến thăm làng trẻ em Birla Hà Nội vào một ngày giữa tháng 4 trong lần trở lại Việt Nam năm thứ 28 liên tiếp. Dù đã tới thăm ngôi làng này hàng chục lần trong suốt gần 30 năm nhưng người đàn ông 71 tuổi này trông vẫn tỏ ra hào hứng, phấn khởi. Dường như làng trẻ Birla đã trở thành một nơi quá đỗi thân thuộc với ông, nơi ông không thể không tới thăm mỗi lần tới Việt Nam.

Đón ông tại cổng làng trẻ sáng 14/5 là những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ mà Sugi gọi với cái tên trìu mến “các con của bố”. Tại làng trẻ Birla, ông Sugi đã nhận 90 đứa trẻ làm con nuôi. Trong chuyến thăm mới nhất, nghệ sĩ Nhật Bản đã công bố sẽ nhận thêm 10 trẻ em thiệt thòi khác làm con nuôi vào tháng 7 tới, nâng tổng số con nuôi của ông tại Birla lên con số tròn 100.


Ông Sugi phát quà cho các con tại làng trẻ Birla.

Ông Sugi phát quà cho các con tại làng trẻ Birla.

Ông Sugi thân mật xưng “bố” và “các con” khi trò chuyện cùng các con tại làng trẻ Birla. Ông hỏi han tình hình ăn ở, học tập của các con và liên tục căn dặn bọn trẻ cố gắng học tập, phấn đấu cho tương lai. Trong hội trường của làng trẻ, ông tới tận từng hàng ghế phát quà cho các con và ân cần trò chuyện, hỏi han.

Những đứa con nuôi của ông Sugi tại làng trẻ Birla đã nhận được sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Người nghệ sĩ Nhật Bản đã dùng tiền cá nhân để giúp đỡ mua sắm cơ sở vật chất, trang trải chi phí học tập và sinh hoạt cho các con. Nhiều con trong số đó đã trưởng thành, có công việc ổn định và lập gia đình.

“Bố mong các con học tập thật tốt để sau này có thể sang Nhật Bản công tác và làm việc. Càng đón được nhiều con sang Nhật thì bố càng vui”, ông Sugi nhắn nhủ với các con.

Chị Nguyễn Thanh Nga, hiện là giáo viên tiếng Nhật tại Trung tâm văn hóa Việt-Nhật, là một trong những người con nuôi của ông Sugi. Khi vào làng trẻ Birla, Nga mới 9 tuổi. Ông Sugi vẫn nhớ câu chuyện lần đầu tiên gặp Nga cách đây hơn 20 năm.


Chị Nguyễn Thanh Nga đứng cạnh người bố nuôi Sugi.

Chị Nguyễn Thanh Nga đứng cạnh người bố nuôi Sugi.

“Lúc đó Nga còn nhỏ. Khí bố cho kẹo, Nga chỉ cầm kẹo trong tay mà không ăn và nhìn bố. Bố hỏi tại sao kẹo ngon mà con không ăn, Nga trả lời rằng “con chỉ muốn có bố mẹ thôi”, ông Sugi kể lại với các con nuôi tại làng trẻ. “Và lúc đó bố đã quyết định trở thành bố nuôi của Nga và các con tại Birla”.

Nhờ sự giúp đỡ của bố Sugi, Nga đã lấy bằng đại học tại Việt Nam và sau đó sang Nhật để học tiếng Nhật. Đứng bên cạnh người bố nuôi, chị Nga căn dặn các em mình cố gắng học tập và rèn rũa về nhân cách để trở thành người có ích cho xã hội.

Năm nào ông Sugi cũng cố gắng sang thăm các con nuôi ít nhất 1 lần, nhiều năm 2 lần. Ông thường xuyên thăm hỏi, cập nhật tình hình về bọn trẻ thông qua các cán bộ tại làng trẻ Birla. Nếu con nào gặp khó khăn đặc biệt, ông Sugi đều hết lòng giúp đỡ. Một số trường hợp các con nuôi của ông bị bệnh tim, ung thư vòm họng, bố Sugi đã hỗ trợ kinh phí để con được điều trị. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ kinh phí để các con học tiếng Nhật.


Ông Sugi xuống các phòng ở và trò chuyện với các con tại làng trẻ Birla.

Ông Sugi xuống các phòng ở và trò chuyện với các con tại làng trẻ Birla.

“Khi đến Birla lần đầu, tôi nhận thấy các con trong làng không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu thốn về tình cảm vì không có bố, có mẹ. Từ đó, tôi muốn bù đắp lại phần nào đó cho con các, mong các có được chút tình cảm ấm áp từ người cha”, ông Sugi chia sẻ.

Ông Chu Đình Hiệp, Giám đốc làng trẻ, cho hay Birla được thành lập năm 1987. Năm 1989, nghệ sĩ Sugi đến thăm làng lần đầu tiên và kể từ đó đã nhận nhiều trẻ em trong làng làm con nuôi. Ông Hiệp cho biết nhiều trẻ tại Birla đã được các tổ chức, cá nhân khác nhận làm con nuôi hay đỡ đầu nhưng chưa ai nhận nhiều trẻ làm con nuôi như ông Sugi.

Theo ông Hiệp, trong số hơn 500 em ra trường cho tới nay, nhiều em đã học tiếng Nhật và tìm được việc làm trong các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam. Hiện ngôi làng đang nuôi dạy 104 trẻ và 33 trẻ trong số đó đang học tiếng Nhật.


Hình ảnh của ông Sugi được đặt trang trọng tại một phòng ở của trẻ em tại làng Birla.

Hình ảnh của ông Sugi được đặt trang trọng tại một phòng ở của trẻ em tại làng Birla.

“Ông Sugi giống một người thân của làng trẻ. Chúng tôi đã quá hiểu nhau, đặc biệt cách nuôi dạy các con. Tình cảm của ông Sugi với Birla rất khó nói và chỉ có một. Mọi người đều xúc động trước tình cảm mà ông dành cho Birla, và ngược lại các cán bộ, các con trong làng cũng rất yêu mến ông”.

Không chỉ tích cực giúp đỡ làng trẻ Birla, ông Sugi còn có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ Việt-Nhật. Ông đã trợ giúp thành lập Hội giao lưu văn hoá Nhật- Việt năm 1991 và thành lập Trung tâm tiếng Nhật tại Hà Nội năm 1995. Vào năm 2005, ông Sugi được chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí Nhật Bản tại Việt Nam và giữa cương vị này từ đó tới nay.

Với những đóng góp to lớn cho quan hệ Việt-Nhật, năm 1997, nghệ sĩ Sugi là người Nhật Bản đầu tiên được Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị. Ông cũng đã trở thành một trong những công dân nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội” vào năm 2014.


Ông Sugi lưu luyến tạm biệt các con trước khi ra về và hẹn ngày trở lại.

Ông Sugi lưu luyến tạm biệt các con trước khi ra về và hẹn ngày trở lại.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm