1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người châu Á giận dữ, bối rối trước giá gạo tăng vọt

(Dân trí) - Từ các siêu thị sang trọng ở Tokyo, đến những quầy bán rong ở Manila, phản ứng của người dân khắp châu Á trước giá gạo tăng vọt kỷ lục rất khác nhau, từ sợ hãi, giận dữ, đến những cái nhún vai không hay biết.

Gạo là lương thực chính của người dân châu Á, nhưng với khác biệt về mức độ giàu nghèo và sản lượng lúa ở mỗi nước, người châu Á bị ảnh hưởng cũng rất khác nhau trước đột biến kỷ lục của giá gạo.

 

Tại Philippines, Indonesia và Bangladesh, ba trong số 4 nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, với hàng triệu người nghèo, một số người đang phải tằn tiện từng đồng lẻ và bỏ bữa để đảm bảo gia đình họ vẫn có thể tiếp tục cầm cự.

 

“Tô có thể làm gì được? Giá gạo tăng đến chóng mặt, chúng tôi cứ phải chạy theo”,  Rudin, một người đi mua hàng 28 tuổi ở thủ đô Jakarta của Indonesia cho biết. Anh cũng không thể tích trữ lương thực bởi “ngân sách” rất hạn hẹp.

 

Các chuyên gia cho rằng cơn sốt giá lương thực trên thế giới có thể được hạ nhiệt trong những tháng tới khi mùa vụ mới được thu hoạch và các nước nhập khẩu gạo giảm bớt lượng mua vào.

 

Giá gạo tăng đến gần gấp 3 lần như hiện nay là do các nước xuất khẩu hạn chế lượng xuất để giảm lạm phát trong nước. Về lý thuyết giá gạo ở hầu hết các thị trường châu Á không thể tăng hơn được bởi hoặc các nước này có thể tự cung ứng gạo hoặc các nước nhập khẩu chỉ cần mua một lượng cần thiết để cung ứng cho những người nghèo.

 

Chính phủ Singapore đang quảng cáo cho những quầy bán thức ăn có giá rất rẻ cho người dân ở đất nước giàu thứ hai châu Á này, để đối phó với việc giá cả tiêu dùng tăng vọt kỷ lục trong suốt 3 thập kỷ qua. Theo tờ Straits Times, Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Singapore Lee Yi Shyan đã mở một trang web (http://ekampong.com.sg/) liệt kê những quầy hàng nơi “mọi người có thể mua được thực phẩm vừa ngon và vừa rẻ”, với giá 2 đô la Singapore, 1,47 USD.

Tuy nhiên, trên thực tế, giá cả vẫn tăng lên vòn vọt, và trong khi đợi nó hạ nhiệt, nhiều người châu Á không có lựa chọn nào khác ngoài thắt lưng buộc bụng hoặc xếp hàng trong cái nắng nóng oi ả của vùng nhiệt đới để mua gạo của chính phủ.

 

“Chúng tôi phải đứng xếp hàng tới 6 giờ đồng hồ để có một túi gạo. Thường chúng tôi phải trở về nhà tay không vì gạo trong kho hết”, Mariam Begum, một người làm giúp việc ở thủ đô Dhaka, Bangladesh cho biết.

 

“Tôi đứng xếp hàng, Tôi đã mất nửa ngày làm và phải mang cả con tôi đang học ở trường đến để xếp vào hàng khác”, người mẹ 4 con 45 tuổi bức xúc.

 

Tuy nhiên, ngoại trừ ở Bangladesh, nơi một số công nhân nhà máy đã xuống đường biểu tình trong tháng này, người tiêu dùng châu Á nhìn chung vẫn giữ được bình tĩnh trước cơn sốt giá lương thực và giá nhiên liệu.

 

“Cá nhân tôi không thấy sợ hãi”, Kazuyuki Tsurumi, đại diện của Tổ chức nông lương LHQ (FAO) ở Philippines cho biết. Tổ chức này trước đó đã cảnh báo bạo loạn do giá lương thực tăng có thể lan rộng khắp các nước phát triển nếu các nhà lãnh đạo thế giới không có biện pháp kiềm chế giá.

 

“Thực sự không có hiện tượng thiếu gạo”, Liza Balarit, một người bán lẻ gạo ở một siêu thị công tại Manila cho biết. “Chỉ có thiếu tiền để mua mà thôi”.

 

Ở những nước giàu có như Hàn Quốc, Singapore, nhiều người có thể và sẵn sàng chấp nhận giá cao, chứ không chịu cắt giảm khẩu phần yêu thích của họ.

 

Còn tại Nhật, một số người thậm chí đã quay về với cơm trong bữa ăn hàng ngày, bởi chính phủ có nhiều chương trình khác nhau để có giá gạo hợp lý trong thời buổi giá lúa mỳ nhập khẩu không ngừng tăng, đẩy giá bánh mỳ, bia và mỳ ống tăng theo.

 

“Hiện giờ tôi ăn cơm nhiều hơn trong bữa ăn của mình, với một ít cá, súp miso, bởi bánh mỳ và mỳ ống quá đắt”, một phụ nữ nội trợ ở Nhật cho biết.

 

Còn tại Trung Quốc, nước xuất khẩu gạo lớn, một số người thậm chí còn không hay biết giá gạo đã tăng tới mức kỷ lục trên thị trường thế giới. “Tôi sẽ không tích trữ gạo, giá ở đây vẫn bình thường”, anh Hu, một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh khẳng định. “Giá gạo thế giới tăng kỷ lục sao? Tôi thậm chí không biết điều đó”.

 

Phan Anh

Theo Reuters