1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ công du Nam Thái Bình Dương: Tín hiệu cho Trung Quốc

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Clinton dự kiến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương FIP vào tuần này, trong động thái gửi tín hiệu thẳng tới Trung Quốc, nhằm kiềm tỏa ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với các quốc đảo nhỏ bé trong khu vực.

 

Ngoại trưởng Mỹ công du Nam Thái Bình Dương: Tín hiệu cho Trung Quốc


Trong khi những chuyến thăm trước của bà Clinton tới khu vực chỉ tập trung vào Canberra và Wellington thì lần này bà dự kiến sẽ thăm Quần đảo Cook, quốc đảo với chỉ 11.000 người và 15 đảo bao phủ một khu vực rộng hơn Washington DC đôi chút.

 

Lý do là bà tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của khu vực do Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương FIP tổ chức, tổ chức gồm 16 nước chủ yếu là các quốc đảo nhỏ cùng với Papua New Guinea giàu tài nguyên và hai cường quốc của khu vực là Australia và New Zealand, hai đồng minh của Mỹ.

 

Những quốc đảo nhỏ bé và nghèo này không nằm trong radar ngắm nghía của Washington từ nhiều năm nay, trong khi Trung Quốc đã củng cố mối quan hệ ngoại giao qua viện trợ và các thỏa thuận song phương.

 

Theo các nhà phân tích, do không có trọng lượng chiến lược, các đảo quốc nhỏ Nam Thái Bình Dương đã không được ngành ngoại giao Hoa Kỳ chiếu cố nhiều trong thời gian qua. Vì vậy chuyến công du của bà Clinton đến quần đảo Cook đã thu hút sự chú ý. Sự hiện diện của bà Clinton ở Hội nghị thượng đỉnh FIP lần này được xem như là một thông điệp nhắm vào Trung Quốc.

 

Powles, quan chức cấp cao ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược tại Wellington, đánh giá sự hiện diện của nhà ngoại giao hàng đầu của Washington tại PIF sẽ gửi tín hiệu thẳng tới Bắc Kinh rằng Mỹ có ý định “tái xuất” tại khu vực này.

 

“Nếu nói một cách thẳng thừng, thì người Mỹ gần như đang nói: “Này, đừng quên chúng tôi”, ông cho biết. “Mỹ đột nhiên rục rịch tham dự hơn vào Thái Bình Dương sau một thời gian dài gần như yên ắng, trong khi trong vài năm qua Trung Quốc đã tham gia khá năng động”.

 

Bà Annmaree O’Keeffee, chuyên gia của viện Lowy tại Australia, nhắc lại rằng mối quan tâm của Washington đến các đảo nhỏ Thái Bình Dương này nằm trong chiến lược rộng lớn hơn về Châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama.

 

Trong khi giảm hoạt động can thiệp vào Iraq và Afghanistan, Hoa Kỳ định hướng lại chiến lược quân sự, quay sang khu vực được xem là cỗ máy chủ yếu thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Mỹ cũng đã làm Trung Quốc khó chịu với một số động thái như triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến ở miền Bắc Australia, tăng cường hạm đội ở Thái Bình Dương.

 

Theo bà Annmaree O’Keeffee, việc bà Clinton tham dự hội nghị FIP ở quần đảo Cook, chỉ là sự kiện thứ yếu trong chiến lược chung của Mỹ, nhưng mục tiêu quan trọng là cho thấy rằng kể cả tại những nơi hẻo lánh nhất của vùng Thái Bình Dương, Mỹ vẫn có mặt.

 

Bà O’Keeffee nhận xét : “Trong một hội nghị như vậy, tất cả các tác nhân đều tập hợp tại một địa điểm. Nếu muốn tôn tạo lại hình ảnh và khôi phục ảnh hưởng của mình, thì việc tham dự rất quan trọng.”

 

Theo giới quan sát nếu Mỹ hiện diện nhiều tại khu vực Bắc và Trung Thái Bình Dương, thì họ hầu như vắng mặt hẳn tại vùng phía Nam, trong khi mà Trung Quốc ngày càng hiện diện mạnh mẽ hơn, sử dụng lá bài tài chính.

 

Cụ thể, Mỹ đã có lãnh thổ riêng của mình ở Thái Bình Dương, như tại Guam, Bắc Marianas và American Samoa cũng như có mối quan hệ thân cận với Palau, Micronesia và Quần đảo Marshall. Tuy nhiên, ngoài American Samoa tất cả đều tập trung ở bắc và trung Thái Bình Dương, để Nam Thái Bình Dương trượt ra ngoài tầm quan tâm của Washington trong những năm gần đây.

 

Trong khi đó, từ năm 2005, Bắc Kinh đã cấp khoảng 600 triệu đô la tín dụng cho các đảo như Tonga, Samoa, Cook với những điều kiện rất hấp dẫn và thời hạn rất dài. Còn Hoa Kỳ gần đây thì chỉ mới thông báo tham gia khoảng 20 triệu đô la vào một chương trình bảo vệ môi sinh ở Nam Thái Bình Dương.

 

Theo chuyên gia Michael Powles, thật ra Trung Quốc không mấy e ngại hành động ngoại giao của Mỹ trong vùng, mà lo ngại nhiều hơn về mục tiêu quân sự của Mỹ. Bắc Kinh sợ rằng các đảo quốc này đi theo phương Tây, dưới sự dẫn dắt của Hoa Kỳ.

 

“Mấu chốt là liệu các nước này có đang được mời chào vào nhóm phương Tây (do Mỹ dẫn đầu) và liệu điều đó có liên quan đến các chuyến thăm đều đặn của hải quân cũng như việc đồn trú của lính thủy đánh bộ, như ở miền bắc Australia hay không”, ông cho hay. “Điều đó làm người Trung Quốc e ngại và chắc chắn sẽ thôi thúc người Trung Quốc, những người cảm thấy họ đã “chịu” đủ việc Mỹ và phương Tây cứ mãi ngăn họ nổi lên là một cường quốc. Và thôi thúc này có thể dẫn đến hậu quả bùng nổ.”

 

Vũ Quý

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm