1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nghiên cứu viên Havard phân tích về "vùng cấm" trong thượng đỉnh Mỹ - Triều

(Dân trí) - TS. Nguyễn Việt Phương - Nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Trường Kennedy - Đại học Havard (Mỹ) đã có những chia sẻ về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, bên lề cuộc toạ đàm “Hiểu về Trump” diễn ra chiều 26/2 tại Hà Nội.

Theo ông, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được tổ chức tại Việt Nam lần này có gì giống với hội nghị đỉnh tổ chức lần đầu tại Singapore, thưa ông?

Điểm giống giữa Singapore với Việt Nam là về vấn đề an ninh hết sức an toàn. Quan trọng hơn nữa là Việt Nam gần Triều Tiên nên dễ cho việc di chuyển của lãnh đạo Triều Tiên.

Trước kia, tôi dự đoán ông Kim Jong-un sẽ đi bằng máy bay nhưng cuối cùng lại đi bằng tàu hoả, điều đó chứng tỏ Việt Nam là địa điểm duy nhất có thể lựa chọn được, xét dưới gốc độ an ninh.

Nghiên cứu viên Havard phân tích về vùng cấm trong thượng đỉnh Mỹ - Triều - 1

TS Nguyễn Duy Phương.

Một điều tương đồng nữa đó là về quan hệ ngoại giao trong khu vực và trên thế giới thì Việt Nam và Singapore đều là một trong số những nước giữ được quan hệ ngoại giao chính thức với cả Triều Tiên và Hoa Kỳ. Đây là một trong những yếu tố bắt buộc để được lựa chọn tổ chức chính Hội nghị Thượng đỉnh.

Ông nhìn nhận như thế nào về vị thế và "thương hiệu Việt Nam" sau sự kiện này?

Việt Nam sẽ có những vai trò và vị thế đáng kể trong khu vực ở thời điểm hiện tại. Bởi ở thời điểm hiện tại, báo chí - truyền thông quốc tế đang tập trung mọi sự chú ý vào cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un. Cái tên Việt Nam sẽ xuất hiện liên tục trên báo chí - truyền thông thế giới.

Về vấn đề dài hạn, khi các quốc gia khác thấy Việt Nam tổ chức thành công một sự kiện quan trọng như thế này, họ sẽ thấy đối với những sự kiện lớn mà cần một nước trung gian đứng ra tổ chức thì Việt nam sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Thêm nữa, việc Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam khi mà chúng ta đang ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ sắp tới. Nếu chúng ta tổ chức thành công sự kiện lần này sẽ tạo ra bước đẩy rất lớn cho Việt Nam trong việc ứng cử đấy.

Ngoài nâng tầm vị thế Việt Nam trên chính trường quốc tế thì theo ông sự kiện lần này sẽ thúc đẩy như thế nào về phát triển kinh tế - du lịch?

Về du lịch chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể như trường hợp của Singapore trước đây đã cho thấy. Thực ra nếu tổ chức ở Đà Nẵng thì việc cho thấy một Việt Nam tươi đẹp sẽ dễ dàng hơn so với tổ chức ở thành phố đông dân như Hà Nội. Nhưng bất kể thế nào thì hình ảnh Việt Nam liên tục xuất hiện trên báo chí - truyền thông và mạng xã hội sẽ giúp Việt Nam tăng lên rất nhiều về mặt du lịch.

Về mặt kinh tế, đó là một câu hỏi dài hạn. Việt Nam và Hoa Kỳ đang chuẩn bị đàm phán lại Hiệp định kinh tế song phương nên nếu Việt Nam chứng tỏ được mình là một đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ trong thời điểm hiện tại thì cũng sẽ tạo ra một lợi thế nhất định giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong quá trình đàm phán kinh tế với Hoa Kỳ sắp tới.

Với Triều Tiên thì tôi chưa thể nói được gì vì Triều Tiên đang bị cấm vận bởi Liên hợp quốc. Một khi Triều Tiên được dỡ bỏ cấm vận thì chúng ta mới có thể nói được về việc thúc đẩy sự hợp tác kinh tế.

Sau sự kiện lần này, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy thương hiệu của mình?

Rõ ràng Việt Nam phải tích cực hơn nữa trong việc giúp Hoa Kỳ và Triều Tiên trong các cuộc gặp không chính thức hoặc phi chính thức. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần theo sát các sự kiện quốc tế và cần tỏ thái độ tích cực - chủ động trong việc đứng ra tổ chức các hoạt động lớn. Đứng ra đề xuất các chính sách lớn cho ASEAN và thậm chí là quốc tế.

Nghiên cứu viên Havard phân tích về vùng cấm trong thượng đỉnh Mỹ - Triều - 2

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Donald Trump. Ảnh: TTXVN.

Ông kỳ vọng gì vào cuộc họp của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này?

Theo như tôi biết, cuộc gặp giữa hai bên trong ngày 27/2 là tương đối ngắn. Hầu hết các phần đàm phán chính sẽ diễn ra vào ngày 28/2. Về phần đàm phán hạt nhân thì tôi không kỳ vọng nhiều. Tôi kỳ vọng chủ yếu vào việc hai bên thống nhất để đưa ra một lộ trình tiến tới tuyên bố chấm dứt chiến tranh từ bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo như thông báo từ phía Hàn Quốc và một số nguồn tin thì họ có nói rằng, hai bên có thể đạt được một số thoả thuận nhất định về tiến hộ hạt nhân, phá huỷ một số cơ sở hạt nhân. Thậm chí, đưa ra quy trình để đưa các thanh sát quốc tế vào giám sát việc phá huỷ các chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Nếu ông Donald Trump và ông Kim Jong-un thoả thuận được trên các điểm đó thì sẽ là một thành công rất lớn cho Hội nghị Thượng đỉnh lần này so với Singapore - vốn là một hội nghị không đạt được kết quả cụ thể nào về mặt đàm phán.

Nếu hai bên thoả thuận được việc kết thúc chiến tranh và thành lập được Văn phòng liên lạc thì việc đó sẽ có ý nghĩa như thế nào?

Nếu làm được như thế thì sẽ rất có ý nghĩa nhưng theo tôi việc thành lập Văn phòng liên lạc khả thi hơn là tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Tuyên bố chấm dứt chiến tranh thì phải có sự đồng thuận từ phía Trung Quốc, tức là Hiệp ước kết thúc chiến tranh bắt buộc phải có sự đồng thuận của các bên ký kết Hiệp định đình chiến đó là Trung Quốc, Triều Tiên và Hoa Kỳ. Ở đây, tôi vẫn chưa thấy sự tham gia của Trung Quốc nên tôi chưa thể hy vọng được một điều lớn như vậy trong cuộc đàm phán lần này.

Nhưng có thể hai bên sẽ đưa ra được một lộ trình nhất định, cụ thể là hai bên sẽ tiến đến rất nhanh trong tuyên bố kết thúc chiến tranh. Tôi làm ở mảng hạt nhân nên vẫn sẽ hy vọng hai bên sẽ đạt được những đồng thuận nhất định để tiến tới phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

Trong việc đàm phán giữa ông Donald Trump với ông Kim Jong-un, vấn đề gì có thể nhượng bộ được với nhau và vấn đề nào có thể nằm trong "vùng cấm"?

Tôi nghĩ là nếu có sự nhượng bộ nhau thì chủ yếu liên quan đến các vấn đề mang tính nhân đạo. Tức là trong khuôn khổ cấm vận của Liên hợp quốc, các cấm vận chỉ được dỡ bỏ khi Triều Tiên dỡ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Đó là điều không thể ở thời điểm hiện tại.

Cho nên chỉ có một số vấn đề trong khuôn khổ nhất định đó là về mặt nhân đạo, về mặt năng lượng… Đó vẫn là một trong những điều mà cho đến thời điểm hiện tại Hoa Kỳ vẫn đang rất cứng rắn nhưng rất có thể sau cuộc gặp này Hoa Kỳ sẽ mở hơn.

Điều thứ hai đó là việc hợp tác song phương giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong cuộc gặp năm ngoái giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng thì ông Moon đã đưa đến rất đông quan chức của các công ty Hàn Quốc.

Nghiên cứu viên Havard phân tích về vùng cấm trong thượng đỉnh Mỹ - Triều - 3

Ông Donald Trump và ông Kim Jong-un sẽ có những đàm phán chính thức vào ngày 28/2.

Ngay sau đó, các ngân hàng Hàn Quốc đã lên kế hoạch để mở chi nhánh tại Triều Tiên nhưng hoạt động này đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ lên tiếng đề nghị dừng lại. Rất có thể Hoa Kỳ sẽ gián tiếp nhượng bộ bằng cách cho phép Hàn Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế với Triều Tiên thay vì tương tác trực tiếp giữa Hoa Kỳ với Triều Tiên.

Ở mặt khác, phía Triều Tiên có thể nhượng bộ được gì? Sau cuộc gặp ở Singapore thì phía nhượng bộ chủ yếu là Triều Tiên chứ không phải Hoa Kỳ. Thực sự, họ đã nhượng bộ đáng kể về việc phá huỷ hạt nhân. Nhưng đó hoàn toàn là hoạt động từ phía Triều Tiên mà chưa có sự giám sát bên ngoài. Rất có thể, họ sẽ mở Văn phòng tại Triều Tiên và quan trọng là cho phép các thanh sát viên quốc tế đến Triều Tiên để giám sát các cơ sở hạt nhân.

Thực ra, việc cả hai bên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai chứng tỏ cả hai bên đều cần đến nhau. Rất ít có khả năng hai bên đang đàm phán mà bỏ đàm phán để ra về. Một số vùng cấm đối với Hoa Kỳ thì mọi người thường hay nhắc đến đó là nếu hai bên ký đàm phán kết thúc chiến tranh thì Hoa Kỳ có rút quân khỏi Hàn Quốc hay không, đó là vùng cấm. Trong thời điểm trước mắt, theo tôi là Hoa Kỳ sẽ không rút quân khỏi Hàn Quốc.

Về phía Triều Tiên thì vùng cấm duy nhất có lẽ là Triều Tiên sẽ ký một bản thoả thuận về việc bỏ chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên, tôi cho rằng khả năn này không cao.

Xin cảm ơn ông!

Hà Tùng Long