1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghiên cứu vắc xin chống HIV đi vào ngõ cụt

(Dân trí) - Sau hơn 20 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thú nhận hoàn toàn bế tắc trong việc nghiên cứu phát triển vắc xin chống lại HIV, do vi-rút này đã tiến hóa tới mức có thể tự bảo vệ được chúng trước hệ miễn dịch của con người.

Phát biểu trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS) ở Boston, giáo sư, chủ tịch Baltimore cho biết vi-rút HIV đã tiến hóa, phát triển theo cách có thể tự bảo vệ chúng khỏi hệ miễn dịch của con người. “Tôi tin rằng HIV đã tìm được cách khống chế hoàn toàn hệ miễn dịch. Vì vậy chúng ta phải làm điều gì đó hơn cả tự nhiên”, ông nói.

 

“Đây là một thách thức to lớn bởi để khống chế được HIV qua nghiên cứu miễn dịch cộng đồng khoa học phải đánh bại được tự nhiên, làm được điều mà tự nhiên, với lợi thế 4 tỉ năm tiến hóa, đã không thể làm được”, ông nói.

 

Tuy nhiên giáo sư Baltimore tin rằng cuộc chiến chống vi-rút HIV vẫn rất quan trọng, không thể từ bỏ được. “Sự thất bại của chúng tôi có thể hiểu được, nhưng cũng không thể chấp nhận được”, ông khẳng định.

 

Từ trước tới nay, các nhà khoa học đã tìm nhiều cách khống chế HIV các qua kháng thể hoặc qua việc tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể con người. Song tất cả đều thất bại.

 

Theo giáo sư Baltimore, điều này khiến cộng đồng nghiên cứu vắc xin thấy bế tắc, bởi họ không còn nhìn thấy hi vọng thành công.

 

Hiện các nhà khoa học đang chuyển sang các phương pháp mới, như phương pháp biến đổi gen hoặc tế bào gốc. Tuy nhiên, các cách này mới chỉ bắt đầu.

 

Giáo sư Baltimore từng giành giải Nobel về Y học vào năm 1975 cho việc đồng phát hiện một loại enzim mà sau đó người ta thấy được vi-rút HIV dùng để tái tạo lại các tế bào của con người.

 

Hiện ông đang lãnh đạo phòng thí nghiệm Baltimore ở Caltech, với sự hỗ trợ của Quỹ Gates, để tìm cách tăng cường hệ miễn dịch bằng phương pháp gen chống lại những tác nhân lây bệnh, đặc biệt là HIV.

 

Nguyên Hạ

Theo BBC