1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghiên cứu tiết lộ cách con người đạt "siêu miễn dịch" với Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra cách để con người có thể đạt được "siêu miễn dịch" đối với Covid-19.

Nghiên cứu tiết lộ cách con người đạt siêu miễn dịch với Covid-19 - 1

Sự kết hợp của tiêm chủng và nhiễm virus tạo ra kháng thể nhiều hơn so với chỉ tiêm chủng hoặc nhiễm virus (Ảnh: MSNBC).

Hãng tin RT cho biết, các nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Oregon (OHSU) - Mỹ mới đây đã tiến hành một nghiên cứu để giải thích cho việc một số người đạt được siêu miễn dịch.

Họ lấy mẫu xét nghiệm của 104 người đã tiêm hai mũi vaccine Pfizer. Trong số này, 42 người được tiêm phòng và chưa từng mắc Covid-19, 31 người đã tiêm phòng sau khi mắc, 31 người mắc sau khi tiêm phòng (hay còn gọi là ca nhiễm đột phá).

Sau đó, họ cho các mẫu máu này tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 sống gồm biến chủng Alpha, Beta và Delta. Họ phát hiện ra rằng, những người đã mắc Covid-19 và tiêm phòng đầy đủ có lượng kháng thể cao hơn ít nhất 10 lần so với lượng kháng thể tạo ra ở người chỉ tiêm chủng.

Phó giáo sư Fikadu Tafesse của Đại học OHSU cho biết, bất kể một người nhiễm bệnh trước hay sau khi tiêm chủng, nếu đủ cả hai yếu tố này, thì phản ứng miễn dịch được đo cho thấy lượng kháng thể dồi dào hơn và mạnh hơn. Nghiên cứu được thực hiện trước khi xuất hiện biến thể Omicron, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng các phản ứng miễn dịch lai sẽ tương tự.

Phó giáo sư Tafesse lưu ý, nguy cơ nhiễm bệnh sau khi tiêm chủng vẫn cao do virus tiếp tục lây lan, nhưng khi đó, người bệnh sẽ bị các triệu chứng nhẹ hơn và có thể hình thành "siêu miễn dịch".

Các phát hiện mới cũng cho rằng, mỗi lần lây nhiễm đột phá mới có khả năng đưa đại dịch đến gần hồi kết hơn khi virus đi vào vùng miễn dịch ngày càng mở rộng của con người.

Tiến sĩ Monica Gandhi của Đại học California tại San Francisco cũng cho biết, các ca nhiễm đột phá sau khi tiêm vaccine tạo ra khả năng miễn dịch mạnh hơn so với việc chỉ mắc bệnh trước đó hoặc chỉ tiêm vaccine. Tuy nhiên, Tiến sĩ Monica cũng cảnh báo, mọi người không nên cố tình tìm cách mắc Covid-19 vì không thể dự đoán được người nào sẽ mắc bệnh nặng khi nhiễm virus.

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019 và đến nay đã khiến khoảng 360 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó hơn 5,6 triệu người đã tử vong. Giới khoa học kỳ vọng thế giới có thể sắp thoát đại dịch sau khi độ phủ vaccine Covid-19 mở rộng. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang củng cố cho hy vọng này khi nó có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, nhưng dường như chỉ gây triệu chứng nhẹ hơn. Nhiều chuyên gia dự đoán, Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong năm nay.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo không nên coi nhẹ mối đe dọa từ Covid-19 ngay cả khi Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. WHO lý giải, Omicron có thể không phải biến chủng cuối cùng và nó vẫn gây mối đe dọa đáng kể nếu số ca nhiễm tăng quá nhanh khiến hệ thống y tế quá tải.

Theo www.rt.com