1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghịch lý từ thỏa thuận hạt nhân với Iran

Bình luận về thỏa thuận hạt nhân sơ bộ vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1, báo “Người bảo vệ” (Guardian, Anh) ngày 25/11 có bài viết cho rằng nếu như các nước đưa Iran tới bàn đàm phán thực sự muốn có một thế giới phi vũ khí hạt nhân thì họ cũng nên thực hiện bổn phận mà họ đã phớt lờ suốt hơn 40 năm qua, đó là giải giáp kho vũ khí hạt nhân của chính mình.

Đại diện của Iran và nhóm P5+1 sau khi đạt được thỏa thuận. AFP-TTXVN
Đại diện của Iran và nhóm P5+1 sau khi đạt được thỏa thuận. AFP-TTXVN
Theo bài báo, hoàn toàn đúng khi thỏa thuận hạt nhân trên được ca ngợi như một bước tiến lịch sử - một minh chứng của con đường ngoại giao và một bước tránh nguy cơ xảy ra cuộc chiến chống Iran từng dấy lên suốt một thập kỷ qua. Cùng với thỏa thuận gần đây giữa Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Iran, điều này - như lời Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói - sẽ “giúp phá tan mọi kế hoạch của Iran chế tạo một quả bom nguyên tử”.

Cũng chẳng ai nghi ngờ rằng thỏa thuận đó sẽ được xem như một bằng chứng thể hiện cam kết của ông Obama về một thế giới phi vũ khí hạt nhân. Và dĩ nhiên, các sáng kiến không phổ biến vũ khí hạt nhân như vậy là một phần thiết yếu của quá trình đó. Nhưng liệu có công bằng không khi người ta đặt quá nhiều lo ngại vào những quả bom hạt nhân còn chưa hình thành trong khi lờ đi hàng nghìn quả bom hạt nhân khác đang hiện hữu.

Kho vũ khí hạt nhân của Israel là một ví dụ thể hiện nghịch lý này bởi Israel là nhà nước duy nhất ở Trung Đông thực sự có vũ khí hạt nhân. Và tất cả các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tham gia cuộc đàm phán với Iran đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng họ và tất cả, kể cả Anh, đều có kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

Dĩ nhiên sẽ có lập luận rằng đó là các nước có trách nhiệm và được quyền có vũ khí hạt nhân, còn Iran thì ngược lại nên phải áp dụng tiêu chí khác. Song, nếu nhìn vào luật lệ quốc tế và quan điểm của số đông các nước đối với vấn đề này, lập luận đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Kể từ năm 1970, Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) mà theo đó 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc đều đã ký quy định các nước không có vũ khí hạt nhân không nên có loại vũ khí này. Đổi lại, các nước có vũ khí hạt nhân sẽ giải giáp. Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tích cực kiểm soát các nước có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng đồng thời chính bản thân họ lại đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Sự thay đổi đang diễn ra. Trong khi thế giới tập trung sự chú ý tới các cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân của Iran thì cũng có một cuộc cách mạng âm thầm đang diễn ra trên bình diện quốc tế. Các nước không có vũ khí hạt nhân giờ đây đang không muốn phải đi “vật nài” các nước có vũ khí hạt nhân tuân thủ NPT như trước. Các cuộc thảo luận gần đây về hòa bình và giải giáp tại Ủy ban của LHQ về giải trừ quân bị đã cho thấy sự ủng hộ cơ bản đối với các sáng kiến quốc tế tiến tới một lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Anh và các nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác đã đứng bên lề các cuộc đối thoại cấp nhà nước gần đây về hậu quả đối với con người của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Các chính đảng ở Anh đều biết về ý tưởng giải giáp đa phương nhưng họ hầu như không làm gì để thúc đẩy nó.

Chừng nào mà các nước này tiếp tục đứng ngoài lề và từ chối xem xét bất cứ sáng kiến giải giáp quốc tế khả thi nào, chừng đó những gì mà nhiều người lo ngại sẽ trở thành sự thực. Đó là những nước đưa Iran đến bàn đàm phán song thực sự không quan tâm đến việc chấm dứt việc phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy giải giáp. Họ chỉ không muốn có thêm thành viên “thù địch” trong nhóm các nước có vũ khí hạt nhân mà thôi.
 
Theo TTK