Nghệ thuật ngoại giao tinh tế của ông Trump khi mời ông Tập dự lễ nhậm chức
(Dân trí) - Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự lễ nhậm chức được nhiều chuyên gia ca ngợi là một thông điệp ngoại giao sáng suốt.
Động thái ngoại giao tinh tế
Từ trước tới nay, chưa từng có nguyên thủ Trung Quốc nào đến tham dự lễ nhậm chức của một tổng thống Mỹ. Thế nên, nhiều khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ không có mặt tại lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống lần thứ 47 của ông Donald Trump vào ngày 20/1 tới đây.
Tuy nhiên, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump gửi lời mời tới ông Tập được nhiều chuyên gia ca ngợi như là "một động thái chiến thuật sáng suốt".
Nếu cuộc gặp gỡ này diễn ra, ông Trump sẽ có cơ hội thảo luận về những vấn đề song phương chủ chốt và đặt nền tảng cho một thỏa thuận tiềm năng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có nguy cơ đứng trước một cuộc chiến thương mại lớn hơn.
Thậm chí, nếu ông Tập chỉ cử đại diện đi thay mình, thì quyết định đó cũng vẫn mở đường cho những kênh liên lạc quan trọng giữa hai nước trong thời gian tới.
Động thái ngoại giao của ông Trump đánh dấu bước thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ từ nhiều thập kỷ nay, vốn dĩ rất hạn chế mời các lãnh đạo nước ngoài đến tham dự lễ nhậm chức.
Lời mời của ông Trump cũng cho thấy chính quyền mới nói chung và cá nhân ông Trump nói riêng coi quan hệ với Trung Quốc như một ưu tiên hàng đầu. Mặc khác, nó cũng phản ánh mong muốn thiết lập quan hệ cá nhân của ông Trump với ông Tập.
Những hành động gần đây của ông Trump, cùng một số thông điệp phần nào đó còn kín đáo về Trung Quốc, cho thấy vị tổng thống tương lai của nước Mỹ rất quan tâm tới việc đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được với Bắc Kinh, đồng thời để ngỏ cánh cửa cho những cuộc mặc cả như bất kỳ doanh nhân lão luyện nào.
Miêu tả ông Trump như một "chuyên gia đàm phán hợp đồng", Denis Simon - học giả lỗi lạc về Trung Quốc và nhà nghiên cứu thuộc Viện Quincy ở Washington - cho rằng, với lời mời gửi tới ông Tập, Tổng thống đắc cử Mỹ muốn được nhìn nhận như một "chính khách vĩ đại" có năng khiếu về ngoại giao cá nhân.
"Ông Trump muốn chứng tỏ rằng với những mối quan hệ như vậy và với những lãnh đạo tầm vóc toàn cầu như ông Tập, ông có thể cắt giảm mọi thủ tục rườm rà để thương thuyết và đạt được thỏa thuận", chuyên gia Simon bình luận, đồng thời nói thêm rằng, "cuối cùng, ông Trump thực tế không muốn đối đầu như ông vốn bộc lộ ra bên ngoài".
Tiền đề cho một thỏa thuận lớn?
Có 3 điều mà công chúng biết đến Tổng thống đắc cử Donald Trump kể từ khi ông tham gia chính trường.
Thứ nhất, ông rất thích từ "thuế quan", thậm chí còn coi đây là từ đẹp nhất trong từ điển. Với ông Trump, thương mại là trò chơi có tổng bằng không và nước Mỹ nên sử dụng thuế quan để nhận lại phần lợi ích công bằng.
Thứ hai, ông thực sự là một chuyên gia "chốt kèo". Danh tiếng này đã nổi lên ngay từ khi ông còn là nhà phát triển bất động sản ở New York những năm 1970. Đặc tính của ông là người thích giao dịch. Dù có sự khác biệt lớn giữa một nhà phát triển bất động sản với một chính khách quốc tế nhưng rõ ràng ông muốn tên tuổi của mình gắn với những giao dịch rất lớn.
Thứ ba, với việc đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ở cả hai viện Quốc hội Mỹ, quyền lực của ông Trump gần như tập trung tuyệt đối. Dù rằng lợi thế này có thể sẽ không kéo dài nhưng xét tới vị thế hiện tại thì ông đang có không gian lớn để thể hiện quyền lực.
Xét tới 3 yếu tố trên, nếu có thể đạt được một thỏa thuận lớn với Trung Quốc thì cơ hội của ông sẽ chưa bao giờ lớn như hiện nay. Vì vậy, ông phải hành động nhanh chóng để hoàn tất một thỏa thuận.
Theo chuyên gia Simon, Tổng thống đắc cử Trump dường như là người rất thực tế và rất muốn đạt được một thỏa thuận nào đó. Nếu ông Trump có thể thương thuyết được một thỏa thuận với Trung Quốc và giảm bớt căng thẳng song phương thì sẽ giúp dành nguồn lực và thời gian quý báu để ông tập trung vào chương trình nghị sự trong nước cũng như theo đuổi những nỗ lực quốc tế khác.
Vậy thỏa thuận lớn tiềm năng có thể là gì? Việc ông Trump dự kiến chọn Giám đốc quỹ đầu cơ Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính thay vì một "chiến binh thương mại" khác phần nào thể hiện rõ ý đồ trên.
Phát biểu tại Viện Manhattan hồi mùa Hè năm nay, ông Bessent đã nói như sau: "Tôi có thể thấy trong vài năm tới, chúng ta sẽ phải có một dạng sắp xếp lại kinh tế toàn cầu lớn nào đó, tương đương với hệ thống tài chính Bretton Woods hoặc nếu muốn quay trở lại xa hơn thì kiểu như Hiệp ước Versailles. Khả năng rất lớn là chúng ta sẽ phải đạt được điều đó trong bốn năm tới và tôi muốn trở thành một phần của kế hoạch".
Một thỏa thuận lớn như vậy sẽ liên quan đến điều gì? Ông Trump từng chia sẻ với John Micklethwait, Tổng biên tập Bloomberg News trong một cuộc phỏng vấn khi còn vận động tranh cử rằng: Không cần phải áp dụng bất kỳ mức thuế quan nào nếu các công ty Trung Quốc chuyển sản xuất sang Mỹ và tuyển dụng nhân công Mỹ. Khi đó, ông Trump sẽ từ bỏ công cụ thuế quan và tất cả mọi người đều được hưởng lợi.
Thực tế, đã từng có những tín hiệu cho thấy đây là nguyện vọng của ông Trump. Tại đại hội đảng Cộng hòa vào tháng 7, chuyên gia nghiên cứu địa chính trị Marko Papic của hãng tư vấn đầu tư toàn cầu BCA Research đã chỉ ra rằng ông Trump chỉ sử dụng từ "thuế quan" đúng hai lần và chỉ trong bối cảnh buộc Trung Quốc phải chuyển hoạt động sản xuất từ Mexico sang Mỹ.
Ông Trump tiếp tục đề cập đến vấn đề thuế quan nhiều hơn vào cuối chiến dịch tranh cử nhưng mong muốn cốt lõi nhất của ông là đưa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ vẫn không thay đổi.
Từ những tiền đề nêu trên thì có thể thấy lời mời nhậm chức mà ông Trump gửi tới ông Tập nhiều khả năng là một nỗ lực đặt nền tảng cho một thỏa thuận lớn nào đó giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.