Nghề “câu” xác chết trên sông Hoàng Hà
(Dân trí) - Từ một mỏm nhô ra trên sông Hoàng Hà, Wei Jinpeng chỉ xuống vũng bí mật bên dưới và bắt đầu đếm “mẻ” mới nhất của mình. Ông dừng lại sau khi 6, và có thể là chục xác người lập lờ trong dòng nước u ám.
Các xác chết nổi nằm úp mặt, được móc vào dây thừng để kéo vào bờ. Chân tay và hông phủ bùn của họ trồi lên trên mặt nước.
Wei là dân “câu” xác chết. Ông rà khắp dòng sông Hoàng Hà để tìm các xác chết, dùng thuyền nhỏ kéo vào bờ, để kiếm tiền từ gia đình, người thân của những xác chết đó.
Cũng theo Wei, ông để các xác chết úp mặt xuống để có thể giữ được đặc điểm nhận dạng của họ. Bất kỳ sự hoài nghi nào về danh tính của họ đều khiến ông khó có thể nhận được tiền.
Wei không quan tâm đến việc làm sao họ lại bị chết trôi sông. Nhưng nhiều năm qua, ông đã nghe rất nhiều chuyện từ người thân của họ, những người đến nhận xác chết, ám ảnh bởi hình ảnh nhiều người bị khủng hoảng tinh thần nặng nề do sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc.
Mỗi năm có khoảng 80-100 xác chết Wei vớt được là nạn nhân của các vụ tai nạn, lũ lụt. Còn lại ông nghĩ phần lớn họ kết thúc cuộc đời trên dòng sông vì tự tử, vì bị giết.
Hầu hết các xác chết có vẻ như bị cuốn từ thượng nguồn ở Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc. Thành phố này tự hào với những dãy tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm, thu hút một lượng lớn lao động nghèo cùng cả những ông chủ vì lợi nhuận mà vi phạm luật, bóc lột sức lao động.
Công việc của những người “câu” xác đã thu hút được sự quan tâm lớn của báo chí Trung Quốc. Có cả một bộ phim tài liệu về nhóm người “hành nghề” gần ông Weil Một tờ báo tiếng Anh miêu tả nghề này là “sống trên các xác chết”, khi nhấn mạnh rằng các xác chết ngày nào cũng được vớt.
Điểm “câu” của Wei nằm cách Lan Châu khoảng 30km. Một khúc ngoành trên sông Hoàng Hà và một chiếc đập thủy điện làm giảm dòng chảy khiến cho các thi thể có một nơi để nổi lên.
Các thành viên gia đình đến nhận xác họ sụt sùi về một người cha, vì lương thấp, đã gieo mình xuống sông từ một cây cầu. Wei cũng vớt được các xác chết bị nhét giẻ vào mồm, bị trói chân tay, dấu hiệu họ bị giết. Cuối cùng, vẫn có những xác phụ nữ trẻ không có ai đến nhận, Wei đành phải cắt dây buộc, để xác tiếp tục trôi theo dòng sông.
“Hầu hết xác chết không được người nhà đến nhận là những nữ công nhân chuyển tới Lan Châu làm việc”, Wei nói. “Hầu hết họ đều bị giết chết...Gia đình họ không biết và vẫn nghĩ họ làm việc ở Lan Châu.”
Lan Châu là một “tiền đồn” bụi bặm nếu so với sự xa hoa của Thượng Hải, nhưng sản xuất kinh doanh ở tỉnh này đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2004 tới năm 2009. Trụ sở của hãng ô tô BMW và Audi nằm ngay gần các tòa nhà văn phòng cao ngút, ở nơi trước kia là một phần của con đường tơ lụa.
Dong Xiangrong, một sinh viên đại học tại Lan Châu, nói mọi người đều biết mặt trái của sự giàu có đang làm lột xác thành phố. Nhiều công nhân, đặc biệt là người từ nơi khác đến, đôi khi bị đối xử rất thậm tệ. Một số ông chủ không trả lương cho công nhân, khiến công nhân tìm đến cái chết. Ma Yingbao, một người thất nghiệp cho biết: “Có nhiều lý do cho các xác chết trên sông... Một số bị áp lực đè nặng”.
Trước khi hành nghề “câu” xác này vào năm 2003, Wei có một vườn đào và kiếm được khoảng 4.000 tệ mỗi năm. Nhưng giờ ông “đánh phí” 500 tệ khi một người nông dân đến nhận xác, 2.000 tệ nếu “khách hàng” có việc và 3.000 tệ khi một công ty chi trả.
Wei thừa nhận một số người chỉ trích “nghề” của ông là kiếm tiền trên nỗi đau của người khác. Nhưng ông cũng lập luận rằng ít người sẵn lòng làm cái việc ông làm. Và cũng nhiều người ở Lan Châu đồng ý rằng nếu không có Wei và những người như ông, thì có lẽ các xác chết không được tìm thấy.
Wei Yingquan, một người “câu” khác cùng hai con trai, từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu, đã chuyển từ nghề chăn cừu sang nghề này. Họ đánh phí 300 tệ với mỗi lần xem mặt xác chết. “Một số người nói tôi là kẻ lừa đảo, rằng tôi bắt cóc các xác chết”, người đàn ông 64 tuổi nói. Nhưng “mọi người vẫn đến đây mỗi ngày để nhận mặt các xác chết”.
Phan Anh
Theo McClatchy