1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga-Mỹ đều tin sẽ thắng Chiến tranh lạnh mới

Quan hệ Nga-Mỹ đang trong tình trạng tồi tệ nhất từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Theo một số chuyên gia, việc cả Nga và Mỹ đều tin rằng họ sẽ giành phần thắng trong Chiến tranh lạnh mới có thể gây thiệt hại cho cả hai trong cuộc đua tranh kéo dài.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga.

Trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng giữa Nga và Mỹ xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề xuất Kremlin và Nhà Trắng “cài đặt” lại quan hệ giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, ông Lavrov cũng chỉ trích Mỹ theo đuổi chính sách chính trị cường quyền, áp dụng tiêu chuẩn kép trong các vấn đề quốc tế. Ông nói rằng, Nga sẽ không khoanh tay ngồi nhìn. Tổng thống Nga Vladimir Putin không che giấu thực tế Nga có ý định sở hữu năng lực vũ khí hạt nhân vượt trội so với Mỹ.

Theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), năng lực vũ khí hạt nhân của Nga đang vượt Mỹ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố những tài liệu về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START).

Quay về thời điểm năm 2012, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ có 1.722 đơn vị được triển khai, trong khi Nga sở hữu 1.499 đầu đạn hạt nhân. Đến năm 2014, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giảm kho vũ khí hạt nhân xuống còn 1.642 đơn vị. Trái lại, Tổng thống Nga Putin đã tăng số vũ khí hạt nhân lên 1.643 đơn vị, nhiều hơn Mỹ về số lượng.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Inhofe, thành viên Ủy ban Quân bị Mỹ, viết trên Foreign Policy, phê phán cả ông Obama và ông Putin về hiện trạng này.

“Nga đã sử dụng tiến trình kiểm soát vũ khí nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ các lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ, trong khi đồng thời theo đuổi chính sách tăng cường năng lực hạt nhân như các loại tên lửa hành trình, nhằm hậu thuẫn cho an ninh quốc gia và chiến lược quân sự của họ.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã cố gắng giải trừ quân bị và không phổ biến hạt nhân bằng cách giảm bớt vai trò cũng như số lượng vũ khí hạt nhân trong chiến lược của Mỹ với hy vọng phần còn lại của thế giới sẽ làm theo. Điều đó đã không xảy ra”, ông Inhofe viết.

Trong giai đoạn kể trên, năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cũng tăng lên. Hải quân Mỹ đang phải bàn luận các chiến lược nhằm đối phó bất kỳ tình huống tồi tệ nào.

Trong bối cảnh thế giới dường như bước vào Chiến tranh lạnh lần 2, Giám đốc điều hành Trung tâm Phục vụ tạp chí National Interests (Mỹ) Paul Saunders công bố một tập hợp tiểu luận của các chuyên gia Nga và Mỹ về vấn đề làm thế nào mỗi quốc gia xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine hiện tại. Kết luận tổng thể cho thấy, dường như cả Nga và Mỹ đều tin rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc đấu dài hơi sắp tới.

“Kết luận rút ra từ các nghiên cứu là cả chính phủ Mỹ và Nga có vẻ đều tin rằng, họ có những lựa chọn chính sách khả thi để không chỉ đương đầu với nước kia mà còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng với phía đối thủ nếu cần thiết”, ông Saunders viết.

Ông cảnh báo, nền tảng của cách nhìn này là một sự thất bại trong việc thừa nhận cái giá tiềm tàng mà mỗi quốc gia phải trả trong một cuộc xung đột trực tiếp, hay đúng hơn là trong một mối quan hệ thù địch kéo dài.

Theo Thục Ninh
Tiền phong/Foreign Policy, National Interests