Nga và dự án chinh phục sao Hỏa đầu tiên
(Dân trí) - Ngày9/11, Nga dự kiến phóng tàu thăm dò sao Hỏa với mục đích thu thập mẫu đất trên một mặt trăng của hành tinh này. Đây sẽ là sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của Mátxcơva kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Phobos-Grunt đã sẵn sàng trên bệ phóng
Theo cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, tàu thám hiểm Phobos-Grunt dự kiến sẽ rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan trên tên lửa đẩy Zenit-2SB vào 0h16 giờ Mátxcơva (20h16 GMT ngày 8/11).
Nga hi vọng sứ mệnh sẽ đánh dấu sự trở lại của họ trong công cuộc khám phá các liên hành tinh, lĩnh vực họ hoàn toàn bỏ trống trong suốt nhiều thập niên qua, mặc dù các tàu thăm dò của Mỹ đã vươn xa được ra bên ngoài hệ mặt trời.
Nếu thành công Phobos-Grunt sẽ giúp xóa bỏ ký ức về một trong những thất bại tồi tệ nhất của Nga, khi tàu thăm dò sao Hỏa Mars-96 đã không thể tới được quỹ đạo và đâm xuống đại dương vào năm 1996.
Nga mong mỏi chứng tỏ họ vẫn là một siêu cường trong lĩnh vực khám phá vũ trụ và vẫn hừng hực khí thế được người đầu tiên bay vào vũ trụ Yuri Gagarin truyền tải, đúng vào năm nước này kỷ niệm 50 năm chuyến bay lịch sử của ông.
“Nếu Phobos-Grunt thực hiện được sứ mệnh của nó thì đây sẽ là thành tựu mang tầm cỡ thế giới”, Igor Lisov, tổng biên tập tạp chí chuyên ngành về vũ trụ Novosti Kosmonavtiki (Space News), cho biết.
“Vấn đề với khám phá vũ trụ của Nga là mọi người đã quên mất hương vị chiến thắng. Nhiệm vụ của sứ mệnh lần này là phục hồi niềm tin vào khả năng của chúng tôi và vào tầm quan trọng của sứ mệnh”, ông cho biết.
Cuộc viễn chinh diễn ra khi các cường quốc vũ trụ thế giới cũng đang thể hiện rõ khát vọng đưa người lên sao Hỏa vào thập niên tới, có thể là vào năm 2030.
Tuần trước, 6 du hành gia đã “trở về trái đất” sau 520 ngày bị cách ly ở Mátxcơva nhằm thực hiện một cuộc thử nghiệm chưa từng có tiền lệ, nhằm nghiên cứu ảnh hưởng về tâm lý, vật lý do chuyến trở về từ sao Hỏa tác động lên con người.
Tuy nhiên, thậm chí trong những ngày “đỉnh cao” của Liên Xô (cũ), Mátxcơva dường như ít may mắn với sao Hỏa. Họ đã phóng nhiều tàu và đều thất bại. Trong khi đó, cơ quan hàng không vũ trụ NASA của Mỹ lại gặt hái được thành công lớn với tàu thăm dò Mariner và Viking, trong đó Viking đã đặt chân được lên hành tinh Đỏ.
Liên Xô phóng hai tàu thăm dò sao Hỏa cuối cùng, đều được đặt tên Phobos, vào cuối những năm 1980. Tàu đầu tiên không vươn tới được quỹ đạo sao Hỏa trong khi tàu thứ hai bị hỏng, mất liên lạc ngay sau khi lên được quỹ đạo.
Và thất bại được cho là “cay đắng” nhất là tàu thăm dò Mars-96, tàu chứa đựng nhiều tham vọng. Con tàu được phóng vào tháng 11/1996 này đã vỡ tung trên Thái Bình Dương và bị xem là biểu tượng cho sự tan rã của chương trình không gian của Nga vào thời điểm đó.
Mục đích chính của sứ mệnh Phobos-Grunt là đưa trở về mẫu đất đầu tiên của Phobos, mặt trăng lớn hơn trong số 2 mặt trăng của sao Hỏa (mặt trăng còn lại được gọi là Deimos).
Trong hợp tác lớn đầu tiên giữa Mátxcơva và Bắc Kinh, tàu thám hiểm cũng dự kiến triển khai một vệ tinh của Trung Quốc, Yinghuo-1. Vệ tinh này sẽ quay quanh quỹ đạo của sao Hỏa, làm nhiệm vụ quan sát hành tinh Đỏ.
Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, Phobos-Grunt sẽ tới sao Hỏa vào năm 2012 và sau đó triển khai xe tự hành xuống Phobos vào năm 2013 trước khi trở về trái đất mang theo mẫu đất đá vào tháng 8/2014.
Mặt trăng Phobos quay quanh quỹ đạo sao Hỏa, với bán kính chỉ dưới 10.000km, nên được xem là mặt trăng gần với hành tinh của nó nhất trong hệ mặt trời. Chính vì vậy các nhà khoa học hi vọng nó sẽ giúp vén bức màn bí mật về nguồn gốc của các hành tinh.
Tàu thám hiểm sẽ tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm quốc tế, trong đó có khoang chứa vi khuẩn do cơ quan Xã hội hành tinh Mỹ chuẩn bị để xem liệu các dạng sống cơ bản có tồn tại được trong sứ mệnh dài và sâu trong vũ trụ hay không.
Các nhà khoa học đang chuẩn bị những khâu cuối cùng để đưa Phobos-Grunt lên bệ phóng.
Phan Anh
Theo AFP