1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga và các nước Trung Á nhất trí hợp tác cùng có lợi về kinh tế

Ngày 14/10, tại hội nghị thượng đỉnh ở Astana, Tổng thống Nga V.Putin và lãnh đạo các nước Trung Á đã đạt được thỏa thuận về hợp tác kinh tế sâu rộng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Nga và các nước Trung Á nhất trí hợp tác cùng có lợi về kinh tế - 1

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung Á (Kremlin.ru).

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Nga-Trung Á được tổ chức theo sáng kiến của Moscow, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của nước này với 5 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Các nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về an ninh khu vực trong bối cảnh tình hình ở Afghanistan. Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng, hơn bao giờ hết cần phải xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế.

"Quá trình cấu hình lại các cơ chế giải quyết tài chính đã được đưa ra, loại bỏ sự tham gia không cần thiết của các công ty và các nhà điều hành phương Tây vào chúng. Thay vào SWIFT, chúng tôi đã chuyển sang sử dụng hệ thống nhắn tin tài chính chứng tỏ là tốt của Nga để thanh toán cho các hợp đồng, tương tự như hệ thống quốc gia của đất nước các bạn. Chúng tôi đang mở rộng hoạt động mở tài khoản đại lý trực tiếp giữa các tổ chức tín dụng", Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Hội nghị.

Theo nhà lãnh đạo Nga, kim ngạch thương mại của nước này với các nước Trung Á đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua và đạt 37 tỷ USD. Trong sáu tháng năm nay đã tăng thêm 16%. Thương mại với Kazakhstan chiếm phần lớn trong đó. Tổng thống Nga đã nhất trí thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để kích thích hợp tác công nghiệp, mở các hành lang vận tải thay thế và số hóa các quy trình thông quan hàng hóa tại biên giới.

Tổng thống Putin kêu gọi các nước Trung Á tham gia các dự án của Liên bang Nga về thay thế nhập khẩu: "Chúng tôi quan tâm đến việc đất nước các bạn tham gia các sáng kiến thay thế nhập khẩu quy mô lớn của Nga, các chương trình và dự án khác. Tôi chắc chắn rằng điều này sẽ mang lại lợi ích cho sự phát triển của tất cả các nền kinh tế của chúng ta và đạt được những năng lực mới".

Ông lưu ý rằng, ngày nay các nỗ lực từ bên ngoài đang được thực hiện nhằm can thiệp vào quan hệ giữa Nga và các nước Trung Á về chính trị, kinh tế và lĩnh vực nhân đạo. Tuy nhiên, tình hình thế giới ngày càng phức tạp đang thúc đẩy các quốc gia tương tác với nhau. Các bước chung để xây dựng quan hệ đồng minh và quan hệ đối tác chiến lược hiện đang là nhu cầu rất lớn.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung, trong đó nêu rõ rằng, quan hệ kinh tế của các quốc gia Trung Á với Liên bang Nga đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo phát triển bền vững của các quốc gia, sự vận hành và phát triển tất cả các lĩnh vực của tổ hợp kinh tế, duy trì mức độ phúc lợi của người dân và giảm thiểu rủi ro của căng thẳng xã hội.

Văn kiện nhấn mạnh, các nước dự định tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế trên cơ sở cùng có lợi bằng cách thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa thương mại lẫn nhau, mở rộng hợp tác công nghiệp trong các ngành có triển vọng, tăng cường hợp tác đầu tư, bao gồm cả việc sử dụng tiềm năng của các hiệp hội hội nhập khu vực. Các nguyên thủ quốc gia nhất trí thúc đẩy thực hiện các chương trình, dự án chung nhằm phát triển các loại hình hoạt động kinh tế ưu tiên. Tiếp tục theo đuổi chính sách nhà nước cùng có lợi trong lĩnh vực thương mại, bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại, đơn giản hóa việc di chuyển lao động và vốn. Dự định mở rộng thực hành thanh toán bằng tiền tệ quốc gia, có tính đến lợi ích của các bên.

Ngoài ra, tuyên bố lưu ý rằng, xét đến tầm quan trọng chiến lược của hợp tác liên vùng, các nguyên thủ quốc gia sẽ thúc đẩy sự phát triển hợp tác nhiều mặt giữa các chủ thể của Nga và các đơn vị hành chính - lãnh thổ của các quốc gia Trung Á.

Theo Anh Tú/VOV-Moscow