1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga tự trấn an trước lá chắn tên lửa Mỹ?

Moskva tuyên bố phát triển năng lực đủ sức đối phó lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Âu, song lại nói rằng hệ thống này đe dọa an ninh của Nga.

Kích hoạt lá chắn tên lửa sát Nga

Mỹ đã chính thức kích hoạt Hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu sau gần 1 thập kỷ kể từ khi Washington tuyên bố sẽ bảo vệ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước mối đe dọa từ tên lửa của Iran.

Động thái của Mỹ diễn ra bất chấp những cảnh báo của Nga cũng như một thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa các cường quốc với Iran đã đạt được.

Binh sĩ Mỹ và Romania trong lễ tuyên bố vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ Deveselu, miền Nam Romania ngày 12/5
Binh sĩ Mỹ và Romania trong lễ tuyên bố vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ Deveselu, miền Nam Romania ngày 12/5

Mỹ và NATO tuyên bố sẵn sàng vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa này tại căn cứ không quân ở Deveselu, một khu vực ít dân cư tại Nam Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch triển khai và tiêu tốn khoản tiền hàng tỷ USD đầu tư.

Phát biểu trước báo giới, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại NATO Robert Bell cho rằng việc kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa tại Romania, một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Âu, cho thấy "Mỹ đã có đủ khả năng để bảo vệ các đồng minh NATO tại châu Âu".

Ông Robert Bell nói: “Iran đang tăng cường khả năng của tên lửa đạn đạo, do đó Mỹ phải có bước đi đón đầu để ngăn chặn mối đe dọa này. Hệ thống lá chắn tên lửa không nhằm đối phó với Nga”. Ông Bell cho biết Mỹ sẽ sớm bàn giao hệ thống này cho NATO.

Từ trái qua phải, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại châu Âu Mark Ferguson, Ngoại trưởng Romania Lazar Comanescu, TTK NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Romania Dacian Ciolos và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work tại Deveselu, Romania ngày 12/5
Từ trái qua phải, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại châu Âu Mark Ferguson, Ngoại trưởng Romania Lazar Comanescu, TTK NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Romania Dacian Ciolos và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work tại Deveselu, Romania ngày 12/5

Mỹ cũng triển khai thiết lập hệ thống phòng thủ thứ hai tại Ba Lan từ ngày 13/5. Cơ sở này dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2018, và sẽ cùng với các radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải tạo nên một hệ thống phòng thủ 24/24 giờ cho NATO.

Hệ thống lá chắn tên lửa dùng radar để theo dõi tên lửa đạn đạo. Thiết bị cảm biến sẽ tính toán đường đi của tên lửa, sau đó tấn công và phá hủy chúng ngay trong không gian trước khi chúng tới mục tiêu.

Phản ứng quyết liệt

Nga đã liên tục có những phản ứng mạnh trước động thái quân sự của Mỹ ở châu Âu, trong đó có việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.

Moskva cho rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu đang tìm cách cô lập và bao vây hải quân Nga ở Biển Đen, nơi NATO cũng đang cân nhắc tăng cường các cuộc tuần tra.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chương trình tên lửa của Iran không phải là mối đe dọa đối với các nước NATO ở châu Âu và việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania vi phạm Hiệp ước loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) được hai nước ký cách đây gần 30 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia Nga.

Để đáp trả, Nga đã bổ sung 3 sư đoàn tại khu vực phía Tây và phía Nam đất nước. Bất chấp sự trấn an của Mỹ, điện Kremlin cho rằng mục đích thực sự của hệ thống lá chắn tên lửa này là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga trong thời gian đủ lâu để Mỹ có thể tấn công Nga nếu chiến tranh bùng phát.

Trong phản ứng mới nhất ngày 12/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ áp dụng những biện pháp bảo vệ để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vừa được kích hoạt tại Romania bởi việc triển khai hệ thống này thực sự là một "mối đe dọa" đối với an ninh của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Ông Peskov nêu rõ hiện nay mọi cơ quan phụ trách các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia của Nga đều nắm rõ được tình hình và đang tính tới các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày tuyên bố Moskva vẫn luôn sẵn sàng làm việc với NATO trên cơ sở "bình đẳng" ngay cả khi khối này đang tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu. Trong một báo cáo tuần vắn tắt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga sẵn sàng đối thoại trên cơ sở tôn trọng và đảm bảo lợi ích song phương. Mặc dù vậy, bà cũng cho biết thêm rằng giờ vẫn còn quá sớm để nói về tương lai hợp tác toàn diện giữa Moscow và NATO.

Nga tự trấn an?

Trước đó 2 ngày, hôm 10/5, Nga đi trước một bước với tuyên bố của Tư lệnh Binh chủng tên lửa chiến lược Nga (RSMF). Trung tướng Sergei Karakayev thông báo Nga đang phát triển năng lực mới nhằm đối phó với các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở châu Âu.

Ông Karakayev cho rằng lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Âu không phải là một mối đe dọa lớn và không làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của RSMF, bởi vì RSMF đang tiếp tục tăng cường những năng lực của mình.

Tư lệnh Binh chủng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakayev
Tư lệnh Binh chủng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakayev

Nga đang hoàn thiện các thiết bị có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong bối cảnh Washington vẫn tiếp tục phát triển hệ thống lá chắn tên lửa, bao gồm các thành phần thuộc hệ thống ở châu Âu.

Theo ông Sergei Karakayev, các hệ thống tên lửa mới của RSMF được trang bị đầu đạn có hành trình bay khó đoán định và các thiết bị khác có khả năng vượt qua các lá chắn tên lửa.

Ông Sergei Karakayev tuyên bố đến năm 2021, hiệu quả của các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Nga sẽ cao gấp 4 lần so với ICBM hiện hành và ICBM của Nga trong tương lai sẽ có khả năng tấn công từ các hướng khác nhau, buộc đối phương phải đưa ra một hệ thống phòng không toàn diện.

Nga phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-22V
Nga phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-22V

Theo ông Karakayev, trước cuối năm 2021, một nửa thành phần chiến đấu của RSMF sẽ là các tổ hợp tên lửa RS-24 Yars mới mang ICBM, cả phiên bản có thể di chuyển trên bộ và đặt dưới hầm.

Cách đây 1 năm, Đại sứ Nga tại Đan Mạch từng cảnh báo rằng Nga có thể sẽ dùng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tấn công tàu chiến của Đan Mạch nếu nước này tham gia dự án lá chắn tên lửa của Mỹ, lắp đặt radar trên các tàu biển.

Mỹ sợ Nga hơn?

Tháng trước, Đại sứ Nga tại NATO nói: “Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo có thể tạo ra nhiều mối đe dọa đối với sự ổn định và các vũ khí chiến lược của Liên bang Nga”.

Đan Mạch hiện đã nâng cấp ít nhất một trong các tàu khu trục nhỏ với hệ thống phát hiện tên lửa đạn đạo. Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các radar trên mặt đất trong khi Hà Lan đã trang bị radar trên một số tàu biển.

Mỹ đã đưa 4 tàu chiến tới Tây Ban Nha để thực hiện cam kết phòng thủ và toàn bộ các quốc gia NATO đều đang đóng góp tài chính cho dự án này.

Hầm phóng tên lửa Sarmat của Nga
Hầm phóng tên lửa Sarmat của Nga

Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng lo ngại của Nga chỉ là “hoang tưởng”, đồng thời chỉ trích Moskva vì nước này từng phá hỏng các cuộc thảo luận mà NATO tiến hành hồi năm 2013 để giải thích cơ chế hoạt động của hệ thống lá chắn tên lửa này.

Mỹ nói rằng Nga đang muốn xây dựng một hiệp ước hạn chế năng lực và quy mô các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ông Robert Bell nói: Không quốc gia nào muốn ký hiệp ước này”.

Mỹ và NATO khẳng định hệ thống lá chắn tên lửa đơn thuần chỉ nhằm mục đích phòng vệ, và trong mọi trường hợp, đều “không là gì” khi so với kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga.

Hãng tin AP dẫn lời ông Frank Rose - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, phụ trách kiểm soát, cấp phép và triển khai vũ khí tại Bucharest, Romania - khẳng định: "Chúng tôi gặp những thách thức rất lớn" trong việc đương đầu với Nga.

Ông nói: "Nga đã có một hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến từ lâu và họ đã vận hành nó rất tốt. Trong khi đó, trên thực tế chúng ta không đủ khả năng để đương đầu với mối đe dọa này".

Nga vừa tuyên bố đã bắt tay vào chế tạo đoạn tàu tên lửa
Nga vừa tuyên bố đã bắt tay vào chế tạo đoạn tàu tên lửa

Phó Phát ngôn viên NATO Carmen Romero nói: "Việc phổ biến tên lửa đạn đạo đang là mối đe dọa ngày càng lớn. Ngày càng có nhiều các quốc gia tìm cách phát triển hoặc sở hữu loại vũ khí này. Hơn thế nữa, công nghệ tên lửa đang không ngừng phát triển, tinh vi hơn, chính xác hơn, có độ sát thương cao hơn và có tầm bắn ngày càng xa... Chúng tôi coi việc phớt lờ hoặc thờ ơ trước các mối đe dọa từ tên lửa hiện nay là điều cực kỳ thiếu trách nhiệm".

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được Mỹ đề xuất từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Thời điểm đó, mục tiêu chính của kế hoạch này là để đối phó với Liên Xô.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kế hoạch này bị gián đoạn một thời gian và được nối lại vào năm 2007 dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush với mục đích mới là để đối phó với tên lửa tấn công từ Iran. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ phía Nga và lại tiếp tục ngừng trệ.

Năm 2009, Tổng thống Obama đã tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu với lý do để bảo vệ Bắc Mỹ và châu Âu trước các quốc gia “hiếu chiến” như Iran và Triều Tiên. Đây là một phần trong chiến lược phòng thủ gồm cả các hệ thống đánh chặn tên lửa đã được triển khai tại California và Alaska.

Theo Bảo Minh

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm