Nga-Trung bắt tay nhau lên sao Hỏa
(Dân trí) - Trung Quốc sẽ tham gia với Nga trong một sứ mệnh chung tới “hành tinh đỏ” sao Hỏa - một bước ngoặt lịch sử trong hoạt động hợp tác vũ trụ giữa 2 cường quốc.
Đây là thỏa thuận quan trọng nhất trong lĩnh vực vũ trụ được Nga-Trung kí kết nhân chuyến công du tới xứ sở Bạch Dương của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhằm tăng cường hợp tác song phương. Matxcơva cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh hơn nữa trong các dự án lên Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Giám đốc Hiệp hội vũ trụ quốc gia Trung Quốc Sun Laiyan và Giám đốc Trung tâm Vũ trụ liên bang Nga Anatoly Perminov đã đặt bút kí biên bản hợp tác trên dưới sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo 2 nước.
Theo đó, một vệ tinh nhỏ - sản phẩm của Trung Quốc- sẽ được quyền “cưỡi” lên tàu vũ trụ mang tên Phobos Grunt của Nga khi con tàu này được phóng lên vũ trụ, dự kiến vào tháng 10/2009.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau lễ kí kết, ông Sun Laiyan phát biểu: “Thỏa thuận cho thấy 2 bên đã tiến thêm một bước phát triển mới nhằm hướng tới sự hợp tác trong một chương trình vũ trụ lớn hơn”.
Sau khi đi vào quĩ đạo quanh “Hành tinh đỏ”, vệ tinh nhỏ của Trung Quốc sẽ tách ra khỏi tàu vũ trụ của Nga và tiến hành thăm dò môi trường không gian sao Hỏa. Trong khi đó, tàu vũ trụ của Nga sẽ tiếp cận gần hơn với mặt trăng Phobos của sao Hỏa và thu thập các mẫu đất từ hành tinh này đưa về trái đất.
Hiện Trung Quốc đang thực hiện một dự án gồm 3 giai đoạn nhằm khám phá Mặt Trăng, trong đó có việc phóng một tàu vũ trụ mặt trăng tên gọi Chang'e-1 vào năm nay, sau đó sẽ đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 2012 và trở về 5 năm sau đó với những mẫu vật thu được.
Một nhóm các nhà khoa học Anh hiện cũng đang triển khai đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng Phobos của sao Hỏa. Nó có vai trò hỗ trợ về mặt công nghệ nhằm đưa đất đá trên sao Hỏa về trái đất.
Cả châu Âu và Mỹ đều coi việc mang những mẫu vật từ sao Hoả về các phòng thí nghiệm trên trái đất là ưu tiên hàng đầu trong chương trình vũ trụ của họ. Một kế hoạch hợp tác về lĩnh vực này có thể xuất triện trong vòng 15-20 năm tới.
VTH
Theo BBC