1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tính tặng vàng bị phong tỏa cho quỹ chống biển đổi khí hậu

Quốc Đạt

(Dân trí) - Nga cho biết họ đang xem xét số dự trữ vàng bị đóng băng của nước này có thể được dùng để tài trợ cho quỹ bù đắp thiệt hại khí hậu nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển hay không.

Nga tính tặng vàng bị phong tỏa cho quỹ chống biển đổi khí hậu - 1

Phương Tây đã đóng băng khoảng một nửa - tương đương hơn 300 tỷ USD - kho dự trữ vàng và ngoại hối quốc tế của Nga sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine từ tháng 2/2022 (Ảnh: TASS).

"Chúng tôi sẵn sàng thông báo rằng Nga đang xem xét đóng góp tài chính tự nguyện cho quỹ tổn thất và thiệt hại từ dự trữ vàng quốc gia bị đóng băng hiện trong tay các tổ chức quốc tế", ông Ruslan Edelgeriev, Đặc phái viên của Nga về biến đổi khí hậu, phát biểu tại sân khấu chính của sự kiện COP28 ở Dubai.

"Đây là một bước đi được quyết định bởi sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển", ông Edelgeriev bổ sung.

Nhưng theo Reuters, phương án trên khó có thể nhận được sự tán thành. Phương Tây đã đóng băng khoảng một nửa - tương đương hơn 300 tỷ USD - kho dự trữ quốc tế của Nga sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine từ tháng 2/2022.

Kiev muốn số tiền thu được từ khối tài sản bị phong tỏa của Nga được dùng cho việc tái thiết Ukraine. Đây cũng là điều mà nhiều người ở phương Tây mong muốn thực hiện nhưng việc này còn vướng mắc các vấn đề pháp lý và ẩn chứa nhiều hệ lụy trong tương lai.

Nếu Mỹ và đồng minh tịch thu tài sản đang bị phong tỏa của Nga và chuyển cho Ukraine, các nền kinh tế mới nổi có thể mất niềm tin vào định chế tài chính của phương Tây và muốn tìm kiếm các lựa chọn khác.

Các nước đang phát triển nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Nhóm quốc gia này từng chỉ trích các nước phát triển, đặc biệt là các nước phương Tây, vì chậm trễ trong triển khai các viện trợ giúp họ chống lại biến đổi khí hậu.

Tại sự kiện về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc được gọi là COP28 đang diễn ra ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất), các nước đã nhất trí thông qua cơ chế Quỹ Thất thoát và Thiết hại để giúp những quốc gia đang phát triển chống biến đổi khí hậu.

Kinh phí của quỹ này ban đầu đến từ tài trợ tự nguyện của các nước và khối như Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Theo Reuters