1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga sẽ đưa đoàn tàu hạt nhân vào hoạt động

(Dân trí) - Quân đội Nga đã xác nhận sẽ đưa đoàn tàu hạt nhân Barguzin vào hoạt động trong năm 2019, bước đi nhằm đối phó với dự án Tấn công nhanh toàn cầu (CPGS) của Mỹ. Trong năm 2014, Mátxcơva cũng từng tuyên bố sẽ tái triển khai các đoàn tàu hạt nhân.

Nga sẽ đưa đoàn tàu hạt nhân vào hoạt động

Đoàn tàu hạt nhân mang tên lửa RS-24-Yars của Nga dự tính sẽ bắt đầu phục vụ trong quân đội vào năm 2019. (Ảnh: RT)

Trang RT đưa tin quân đội nước này đã chính thức xác nhận sẽ đưa đoàn tàu hạt nhân có tên gọi Barguzin, theo tên một luồng gió mạnh thổi trên Hồ Baikal, vào hoạt động trong năm 2019.

RT cho hay đoàn tàu hạt nhân (tiếng Nga là BZhRK, viết tắt của cụm từ "tổ hợp tên lửa đường sắt chiến đấu") là một hệ thống di động dùng để vận chuyển và phóng các tên lửa hạt nhân chiến lược. Tương tự như tàu ngầm hạt nhân, các đoàn tàu này khó bị tiêu diệt trong một đợt tấn công phủ đầu vì chúng có tính cơ động và có thể ngụy trang thành đoàn tàu chở hàng thông thường.

Theo RT, mỗi đoàn tàu Barguzin có thể kéo theo tối đa 6 tên lửa hạt nhân RS-24 Yars, trong khi đó, tên lửa Yars có 4 đầu đạn với sức công phá từ 0,4 đến 1,2 megaton.

Được biết, dù tên lửa Yars không có sức công phá mạnh như người tiền nhiệm Molodets, nó lại có độ chính xác cao hơn và tầm bắn xa hơn. Tên lửa Yars chỉ nặng bằng khoảng một nửa so với loại Molodets nên các toa xe không cần gia cố thêm bánh xe, giúp Barguzin có thể ngụy trang tốt hơn và khó bị phát hiện từ vệ tinh.

Khác biệt về khối lượng nêu trên còn cho phép Barguzin có thể chở gấp đôi số tên lửa các đoàn tàu hạt nhân từ thời Liên Xô.

Trang RT cho hay đoàn tàu Barguzin đầu tiên dự kiến được đưa vào biên chế trong quân đội Nga vào năm 2019 và kỳ vọng hoạt động ít nhất đến năm 2040.

Liên Xô từng sở hữu 12 đoàn tàu hạt nhân, mỗi đoàn tàu chở theo 3 tên lửa RT-23 Molodets nhưng chúng đã ngừng hoạt động sau khi Nga và Mỹ ký hiệp ước START-2 năm 1993.

Đến năm ngoái, Mátxcơva thông báo sẽ hồi sinh các đoàn tàu hạt nhân bởi chúng không còn bị cấm theo hiệp ước START mới được ký năm 2010. Bước đi này được cho là nhằm đối phó với dự án “Tấn công nhanh toàn cầu” (CPGS) của Mỹ, cho phép Lầu Năm Góc tấn công chính xác bằng các vũ khí thông thường vào bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng 1 giờ.


Thoa Phạm
Theo RT