Nga sẽ “bấm nút” hạt nhân trong trường hợp nào?
Chính sách hạt nhân của Nga vẫn mang tính chất “phòng vệ”, nhưng cũng có điều kiện rõ ràng cho phép nước này tiến hành một cuộc tấn công.
Giữa tháng 6/2020, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân quốc gia Liên bang Nga. Văn bản này xác định tất cả các trường hợp cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên văn bản học thuyết hạt nhân của Nga được đăng tải công khai trên trang web của điện Kremlin.
Khi nào Nga “bấm nút”?
Nga nhấn mạnh rằng, chính sách hạt nhân của nước này vẫn mang tính phòng vệ.
“Nga coi vũ khí hạt nhân đơn thuần là biện pháp khẩn cấp và mang tính răn đe. Nước này đang tìm cách giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn khả năng các mối quan hệ quốc tế ngày càng xấu đi có thể dấy lên xung đột quân sự, trong đó có cả hạt nhân”, học thuyết nêu rõ.
Học thuyết hạt nhân mới cũng nêu các kịch bản trong đó Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân:
Thứ nhất, có các hoạt động xây dựng các lực lượng nói chung, trong đó có cả các xe chở vũ khí hạt nhân trong các vùng lãnh thổ cận kề cũng như ở các khu vực lân cận ngoài khơi Liên bang Nga và các nước đồng minh.
Thứ hai, có sự triển khai các cơ sở và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tầm ngắn và tầm trung, các vũ khí siêu thanh, vũ khí phi hạt nhân chính xác, các UAV tấn công... từ các coi Nga là đối thủ tiềm tàng.
Thứ ba, có việc thành lập và triển khai trên không gian các hệ thống tấn công và các cơ sở phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Thứ tư, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác có thể được sử dụng nhằm chống lại Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh
Thứ năm, có sự gia tăng không kiểm soát các vũ khí hạt nhân, các phương pháp triển khai, công nghệ và thiết bị trong việc sản xuất các loại vũ khí này.
Thứ sáu, có hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân và các xe vận chuyển vũ khí hạt nhân ở các quốc gia phi hat nhân.
Nga cũng đặt ra các tình huống bổ sung mà nước này sẵn sàng áp dụng “các biện pháp cực đoan”.
Trong số đó bao gồm cả kịch bản là “nhận được các thông tin đáng tin cậy về việc triển khai tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ Nga và các đồng minh”, cũng như “kẻ thù triển khai vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm vào Nga và các đồng minh”.
Ngoài ra, lệnh triển khai vũ khí hạt nhân sẽ được đưa ra khi có một “cuộc tấn công của kẻ thù nhằm vào các cơ sở quân sự của liên bang Nga, trong đó các cơ sở này bị phá hủy có thể gây gián đoạn phản ứng hạt nhân” của Nga; hoặc các hành động gây hấn bằng vũ khí thông thường nhưng đe dọa sự tồn tại của nước Nga.
Các chuyên gia quân sự nói gì?
Văn bản mới được cho là sự tổng hợp những tuyên bố trước đây của Tổng thống Putin cũng như các lãnh đạo quân đội Nga.
Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí đất mẹ, nói với Russia Beyond rằng, việc Nga công khai chính sách hạt nhân là một nỗ lực thuyết phục các đối tác tham gia vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-3) sắp hết hạn. Nếu không được gia hạn, Nga và Mỹ có thể mở rộng kho hạt nhân mà không bị hạn chế.
Hiện tại cả Nga và Mỹ đều hạn chế kho hạt nhân ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và bom hạng nặng.
Nga hiện có các tên lửa hạt nhân nào?
Theo trang web “Vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga”, dưới đây là các tên lửa đang được biên chế trong quân đội:
- 46 tên lửa hạng nặng R-36M2 (SS-18)
- 2 tổ hợp Avangard (tên lửa UR-100NUTTH, SS-19 Mod 4)
- 45 tổ hợp lưu động mặt đất Topol (SS-25)
- 60 tổ hợp Topol-M (SS-27) phóng từ silo
- 18 tổ hợp Topol-M (SS-27) lưu động
- 135 tổ hợp tên lửa RS-24 Yars lưu động và 14 tổ hợp tên lửa RS-24 Yars phóng từ silo
Trong số các vũ khí kể trên, tên lửa R-36M2 và Topol dự kiến sẽ bị loại biên và được thay thế bằng Yars mới nhất và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat.
Theo Hoàng Phạm
VOV