1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga sắp xây căn cứ hải quân có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở Thái Bình Dương

(Dân trí) - Matua là một vị trí thuận lợi để sắp tới Nga xây một căn cứ hải quân mới cho Hạm đội Thái Bình Dương, giúp Nga cải thiện đáng kể năng lực chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương, giới phân tích nhận định.


Nga sẽ xây căn cứ hải quân mới ở đảo Matua thuộc quần đảo Kuril và được cho là sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự, chính trị trong khu vực Thái Bình Dương. (Ảnh: Sputnik)

Nga sẽ xây căn cứ hải quân mới ở đảo Matua thuộc quần đảo Kuril và được cho là sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự, chính trị trong khu vực Thái Bình Dương. (Ảnh: Sputnik)

Theo hãng tin Sputnik, trong năm nay, Nga sẽ khởi công xây dựng căn cứ mới cho Hạm đội Thái Bình Dương ở đảo Matua thuộc quần đảo Kuril. Hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng và Hiệp hội Địa lý toàn Nga đã tiến hành khảo sát ở Matua.

Matua chiếm vị trí quan trọng trong quần đảo Kuril, trước kia Nhật Bản từng sử dụng nơi này làm vị trí phòng thủ quan trọng. Đối với Nga, Matua là cửa ngõ dẫn tới biển Okhotsk. Vị trí của đảo này cho phép kiểm soát toàn bộ Kuril, Konstantin Sivkov, chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị Nga cho biết. Theo chuyên gia này, Matua là một vị trí đắc địa để đặt một căn cứ đồn trú cho Hạm đội Thái Bình Dương.

"Matua đủ lớn để bố trí một phi trường với công suất hoạt động tốt. Ngoài ra, nó cũng thích hợp cho một căn cứ hải quân. Tất cả có thể xây dựng trong vòng 3 năm”, ông Sivkov nói. Chuyên gia này cho biết thêm, việc xây dựng một căn cứ hải quân quy mô lớn gồm cả cơ sở sữa chữa, nơi đồn trú cho binh sỹ và kho thiết bị, đạn dược có thể mất tới 20 năm.

Căn cứ hải quân mới sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự cũng như chính trị ở khu vực Thái Bình Dương, Ivan Konovalov, giám đốc Trung tâm môi trường chiến lược, nhấn mạnh.

“Căn cứ mới sẽ là mối quan tâm đối với Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chiến lược xoay trục sang Thái Bình Dương, do vậy Washington sẽ không thấy hài lòng về căn cứ mới của Nga trong khu vực”, ông Konovalov nói. Theo ông, Mỹ có thể sẽ phản ứng lại bằng việc tăng cường lực lượng trong khu vực, củng cố hợp tác quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc. “Cán cân quân sự và chính trị sẽ thay đổi, một liên minh quân sự mới có thể sẽ ra đời. Căn cứ ở Matua sẽ là một tiền đồn ở phía đông của Nga. Nga sẽ có thêm một lá bài khác trong bất cứ trường hợp nào xảy ra tranh chấp hay căng thẳng chính trị trong khu vực. Đó là lý do tại sao căn cứ mới sẽ giúp Nga giải quyết được các căng thẳng, khủng hoảng trong khu vực Thái Bình Dương”, ông Konovalov nhấn mạnh.

Mặt khác, ông cho rằng, căn cứ mới sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Moscow và Tokyo bởi Matua không nằm trong số 4 đảo thuộc diện có tranh chấp giữa 2 bên.

Minh Phương

Theo Sputnik