1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga sẵn sàng bảo vệ lợi ích tại Bắc Cực bằng biện pháp quân sự

(Dân trí) - Bộ tưởng Quốc phòng Nga ngày 25/2 tuyên bố Mátxcơva không loại trừ khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia tại Bắc Cực bằng biện pháp quân sự trong bối cảnh nhiều quốc gia đang để ý đến khu vực này, bao gồm cả một số nước không có quyền tiếp cận với Vòng Bắc Cực.

Lữ đoàn bộ binh tại Bắc Cực của Nga. (Ảnh:

Lữ đoàn bộ binh tại Bắc Cực của Nga. (Ảnh: Spunik News)

Hãng tin Sputnik News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 25/2 phát biểu trong cuộc họp với các chỉ huy quân đội tại Mátxcơva: "Một số nước phát triển không có quyền tiếp cận trực tiếp với Vòng Bắc Cực (vĩ tuyến 66° 33′ 39″ ở phía bắc đường xích đạo) đang tiến hành các bước đi chính trị và quân sự để đạt được quyền này”.

Bởi vậy, Nga đang cân nhắc điều binh lính hiện diện thường xuyên tại Bắc cực, đồng thời tiến hành bảo vệ các lợi ích quốc gia tại đây bằng các biện pháp quân sự, ông Shoigu cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh đội quân trên bán đảo Chukotka, vùng xa nhất về phía bắc của nước này, đang được tăng cường nhằm bảo vệ tuyến đường giao thông Biển Bắc và ứng phó kịp thời với mọi nguy cơ tại Bắc Cực.

Vùng cực Bắc từ lâu đã là một địa điểm khiến quốc tế chú ý bởi giàu có về tài nguyên và có tiềm năng lớn trong giao thông, hàng hải. Hiện băng đang tan tại khu vực này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm dầu khí và mở các tuyến đường giao thông ngắn cũng như thuận tiện hơn.

Bộ trưởng Shoigu ngày 25/2 cũng tuyên bố rằng việc Bắc cực đang trở thành một trung tâm năng lượng của thế giới và một cửa ngõ đầy quyền lực của mạng lưới giao thông hàng hải quốc tế là điều rất rõ ràng.

Học thuyết quân sự mới của Nga, được Tổng thống Putin ký cuối năm 2014, lần đầu tiên đã nêu nhiệm vụ bảo vệ vùng Bắc Cực nằm trong các lợi ích quốc gia của nước này. Học thuyết cũng nhấn mạnh đây là một trong những ưu tiên chính của các lực lượng vũ trang Nga trong thời bình.

Hiện 5 nước ven biển Bắc Cực, gồm Nga, Canada, Na Uy, Mỹ (với bán đảo Alaska) và Đan Mạch với vùng Greenland, đều chỉ có vùng đặc quyền kinh tế tại khu vực này.

Thoa Phạm
Theo Sputnik News