1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - Pháp: Phía nâng tầm, bên tăng thế

Pháp vừa có cuộc gặp thượng đỉnh "chớp nhoáng" trước thềm G7 nhóm họp. Điều gì ẩn chứa đằng sau bước đi ngoại giao được cho là "khôn ngoan" này của ông Macron?

Nga - Pháp: Phía nâng tầm, bên tăng thế - 1

Chỉ mấy giờ ở Pháp nhưng ông Putin với cuộc gặp này đã giúp ông Macron chủ động và tự tin hơn trước rất nhiều khi điều hành cuộc cấp cao sắp tới của nhóm G7. (Biếm họa của Rainer Hachfeld trên Cartoon Movement)

Điều đáng được chú ý trước hết và nhiều nhất ở cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại dinh thự nghỉ hè của Tổng thống Pháp, pháo đài Brégançon bên bờ biển Côte d'Azur, là cuộc gặp diễn ra chỉ 5 ngày trước hội nghị cấp cao của nhóm G7 do ông Macron chủ trì trong tư cách chủ tịch luân phiên đương nhiệm của nhóm tổ chức ở Biarritz.

Cho tới năm 2014, nhóm này còn được gọi là G8 vì còn có sự tham gia của Nga. Vì Nga tiếp nhận Crimea mà G8 lại trở thành G7 xưa. Cho đến thời điểm hiện tại, trong G7 đã có thành viên muốn để Nga tham gia trở lại nhưng chuyện này chưa đặt ra đối với G7 và cũng cả như vậy đối với nước Nga. Ông Putin sẽ không bỏ lỡ cơ hội cho nước Nga trở lại G7, nhưng chắc chắn không bằng mọi giá và càng không vì thế mà chịu nhượng bộ trong chuyện Crimea.

Ông Macron và cái “vía” của ông Putin

Quan hệ của Mỹ, EU và NATO với Nga hiện vẫn còn rất trắc trở, bởi các đối tác này vẫn duy trì những biện pháp trừng phạt Nga, trong thời gian tới tuy không gay cấn thêm nhưng lại chưa thể được cải thiện đáng kể gì.

Vấn đề đối với G7 là ở chỗ, gần như tất cả các chủ đề nội dung trên chương trình nghị sự đều là những hồ sơ mà G7 chỉ có thể xử lý nổi ổn thoả và lâu bền với sự hợp tác xây dựng của Nga: an ninh ở châu Âu, Ukraine, Syria, Iran, Venezuela, bảo vệ khí hậu trái đất, xung khắc giữa chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa đơn phương, giải trừ vũ khí hạt nhân,.....

Ở đó cũng còn có lý do chính khiến ông Macron mời ông Putin sang Pháp để gặp nhau ngay trước sự kiện lớn thường niên của nhóm G7.

Cho tới nay, ông Macron đã thể hiện cho thấy rất thích thú cuộc chơi với các đối tác lớn trên thế giới mà đặc biệt nhất và được dành cho ưu tiên cao nhất là với tổng thống Mỹ Donald Trump, với ông Putin và với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không khó khăn gì để nhìn nhận ra sự khác biệt ở cách thức của ông Macron xử lý quan hệ với Mỹ, Nga và Trung Quốc so với xử lý quan hệ với tất cả các đối tác khác, kể cả với các thành viên lớn của EU và NATO.

Ngay từ những ngày cầm quyền đầu tiên ở nước Pháp, người này đã chủ ý - và theo đuổi tham vọng - nâng tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng cho nước Pháp để có lại được vị thế và vai trò của cường quốc thế giới mà thể hiện cụ thể nhất và thuyết phục nhất là được ngồi cùng chiếu, ăn cùng mâm và nhìn cùng tầm mắt với Mỹ, Nga và Trung Quốc chứ không chỉ có mục đích gây dựng và giành giật vai trò lãnh đạo và dẫn dắt EU.

Chỉ dùng mối quan hệ với Nga không thôi thì ông Macron không thể đạt được những khao khát ấy, nhưng nếu không có sự hậu thuẫn công khai cũng như thầm lặng của Nga thì ông Macron chắc chắn sẽ không thể tới được bến bờ của mong ước. Nga bởi vậy chiếm vị trí rất quan trọng trong đường lối chính sách đối ngoại của ông Macron.

Cuộc gặp ngắn cho mục tiêu dài

Tuy không thể hiện công khai nhưng trong thực chất, ông Macron theo đuổi 3 mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại là vươn tới, thể hiện và được công nhận vai trò và vị thế chính trị thế giới cho nước Pháp; gây dựng và tận lợi vai trò trung gian hoà giải quốc tế cho nước Pháp trong tất cả các vấn đề thời sự của thế giới; và đi trước, đi đầu, định hướng, chỉ đường và dẫn dắt EU.

Cuộc gặp ngắn ngủi vừa rồi với ông Putin vì thế rất quan trọng và cần thiết đối với ông Macron. Chỉ mấy giờ ở Pháp thôi nhưng ông Putin với cuộc gặp này đã giúp ông Macron chủ động và tự tin hơn trước rất nhiều khi điều hành cuộc cấp cao sắp tới của nhóm G7, đặc biệt trong những chủ đề nội dung mà G7 muốn xử lý được thì đều phải cần đến sự tham gia của Nga.

Chấm dứt chiến tranh ở Syria và giải pháp chính trị hoà bình nào cho Syria, giảm căng thẳng và đối đầu ra sao giữa Mỹ và Iran cùng với xử lý tiếp vấn đề hạt nhân của Iran, giải trừ vũ khí hạt nhân hay chạy đua vũ trang hạt nhân sau khi Mỹ và Nga đều không duy trì hiệu lực của hiệp ước INF, khôi phục lại hoạt động của cái gọi là "Khuôn khổ Normandie" về Ukraine để tạo cơ hội cho tân tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên gặp ông Putin,..... đều quan trọng đối với G7 nhưng lại đều lệ thuộc vào quyết định của ông Putin.

Cần Nga nên ông Macron mới chủ trương lôi kéo nước Nga vào cuộc chứ không cô lập nước Nga, duy trì quan hệ bình thường của Pháp với Nga chứ không để cho nó xấu đi. Người này ý thức được rằng, muốn nâng tầm vóc cho nước Pháp và muốn đưa nước Pháp đến được bến bờ xa của tham vọng thì phải hết sức thực dụng và linh hoạt mà ở châu Âu thì trước hết, phải như thế đối với nước Nga và cá nhân ông Putin.

Đôi bên cùng lợi

Ông Putin và nước Nga cũng được lợi rất nhiều và rất ý nghĩa từ những mưu tính chính sách đối ngoại của ông Macron. Chúng giúp làm tăng vị thế của Nga ở châu Âu và trên thế giới. Ông Putin có thể tận dụng chúng để phân rẽ Mỹ với EU và NATO cũng như để phân hoá nội bộ EU và NATO.

Cuộc chơi hiện tại của Nga với G7 khác biệt cơ bản so với trước đây trong G8 nhưng lại không phải quá khó khăn và không thể thắng đối với Nga bởi Nga có những con chủ bài đắc dụng mới và bởi trong G7, EU, NATO hay Phương Tây nói chung càng ngày càng có thêm nhiều nước chủ ý tìm kiếm và đi lối đường riêng trên phương diện quan hệ với Nga.

Nếu không nhờ bởi cùng có lợi cho cả trước mắt cũng như lâu dài như thế thì vào thời điểm và trong bối cảnh tình hình chung hiện tại, làm sao có thể có được cuộc gặp vừa rồi giữa ông Macron và ông Putin.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam