1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga phản pháo khi bị gần 50 nước lên án "nhận tên lửa Triều Tiên"

Quốc Đạt

(Dân trí) - Gần 50 nước do Mỹ dẫn đầu lên án Nga liên quan cáo buộc nhận tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. Điện Kremlin không bình luận nhưng nhắc lại, Ukraine đang dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga.

Nga phản pháo khi bị gần 50 nước lên án nhận tên lửa Triều Tiên - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: TASS).

"Tôi muốn chỉ ra rằng các cuộc tấn công đang được thực hiện liên tục nhằm vào lãnh thổ và các cơ sở dân sự của chúng tôi, tại trung tâm thành phố Belgorod trong đêm giao thừa, các cuộc pháo kích liên tục diễn ra, bằng đạn pháo và tên lửa do Đức, Pháp, Italy, Mỹ, và các nước khác sản xuất. Xin đừng quên điều đó", TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Ông Peskov có nhận định như trên khi được hỏi về cáo buộc nhận tên lửa từ Triều Tiên. Người phát ngôn không bình luận về bản thân cáo buộc.

Trước đó, trong tuyên bố chung hôm 10/1, người đứng đầu đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ngoại trưởng của khoảng 47 quốc gia khác như Argentina, Australia, Guatemala, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã lên án cáo buộc chuyển giao vũ khí bằng "ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể".

Tuyên bố khẳng định số vũ khí ấy đã được dùng tại Ukraine vào ngày 30/12/2023 và ngày 2/1.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những tác động an ninh mà sự hợp tác này mang lại ở châu Âu, trên Bán đảo Triều Tiên, khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới", tuyên bố nêu.

Trong cuộc họp báo hôm 4/1, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cáo buộc, Nga đã dùng nhiều vũ khí của Triều Tiên ở Ukraine.

Tuyên bố chung ngày 10/1 còn nói thêm, cáo buộc mua bán và cung cấp vũ khí giữa Bình Nhưỡng và Moscow vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có hiệu lực từ năm 2006 nhằm đáp trả chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng chưa lên tiếng về cáo buộc chuyển tên lửa cho Moscow.

Nga phản pháo khi bị gần 50 nước lên án nhận tên lửa Triều Tiên - 2

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 (Ảnh: KCTV).

Lỗ hổng tiềm tàng

Cách Mỹ mô tả về tên lửa nghi của Triều Tiên phù hợp với tính năng của loại tên lửa KN-23B của Bình Nhưỡng, tên lửa đạn đạo tầm ngắn mạnh nhất trong kho vũ khí nước này, theo tác giả A. B. Abrams trên Diplomat.

KN-23B tương tự hệ thống Iskander-M của Nga nhưng có tầm bắn lớn hơn 180%, đồng thời sở hữu đầu đạn lớn hơn đáng kể, có thể lớn hơn gấp ba.

Trong buổi họp báo 4/1, Nhà Trắng cho rằng đổi lại việc nhận tên lửa, Nga sẽ xuất khẩu máy bay chiến đấu cho Triều Tiên.

Tác giả Abrams chỉ ra rằng bất cứ vụ chuyển giao vũ khí nào của Nga cho Triều Tiên đều vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vì thế, 2 nước có khả năng tìm cách hợp thức hóa hành động của mình thông qua các "lỗ hổng".

Chẳng hạn, nếu xuất khẩu chiến đấu cơ cho Triều Tiên, Nga có thể chọn xuất khẩu những mẫu mà Triều Tiên đã mua từ trước. Triều Tiên có thể nói rằng những máy bay xuất hiện trên ảnh vệ tinh đơn thuần là mới được đưa ra khỏi kho và được chuyển giao trước lệnh cấm vận, theo ông Abrams.

Ông Abrams chỉ ra một phương án khác hứa hẹn hơn là việc 2 nước chia sẻ hệ thống vũ khí và thành lập đơn vị chung.

Ví dụ, hai nước có thể tuyên bố rằng, Triều Tiên không bán pháo và hệ thống đạn đạo cho Nga mà đơn thuần là nhân sự Triều Tiên vận hành những hệ thống này. Khả thi hơn, họ có thể nói các hệ thống vũ khí được vận hành chung bởi nhân sự của cả hai nước.

Ông Abrams cho biết, cách làm này từng được vận dụng trong quá khứ.

Một trong những ví dụ gây tranh cãi là vào cuối những năm 2000, Mỹ tham gia thỏa thuận chia sẻ hạt nhân với các thành viên NATO - gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép các nước này lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ.

Theo ông Abrams, Nga cũng ký thỏa thuận chia sẻ tương tự với Belarus vào năm 2023. Các đầu đạn ở Belarus vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga, nhưng chúng nhiều khả năng sẽ được chuyển giao cho lực lượng sở tại nếu xảy ra chiến tranh.

Theo TASS, Al Jazeera, Diplomat