Nga, Nhật bắt tay phát triển mỏ dầu
(Dân trí) - Nga và Nhật Bản hôm nay đã ký kết một thỏa thuận nhằm cùng thăm dò và phát triển một mỏ dầu và khí đốt có tiềm năng sinh lợi lớn ở ngoài khơi khu vực Viễn Đông của Nga, trong bối cảnh hai nước tăng cường quan hệ kinh tế.
Thủ tướng Nhật Abe và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp hồi tháng trước.
Công ty Inpex của Nhật Bản và tập đoàn dầu mỏ quốc gia Rosneft đã nhất trí hợp tác về mỏ dầu, ước tính có trữ lượng khoảng 3,4 triệu thùng ở ngoài khơi bang Magadan của Nga, theo tờ Yomiuri Shimbun. Trữ lượng này tương đương lượng dầu nhập khẩu trong 3 năm của Nhật Bản.
Theo thỏa thuận, 2 công ty sẽ thiết lập các liên doanh để tiến hành việc thăm dò, và Index sẽ nắm 1/3 cổ phần.
"Inpex vui mừng thông báo rằng công ty đã ký thỏa thuận hợp tác với Rosneft... để tìm kiếm cơ hội cùng thăm dò và phát triển các mỏ dầu Magadan 2 và 3 ở Biển Okhotsk", một tuyên bố của Index cho biết.
Thỏa thuận trên diễn ra sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí hợp tác trong các dự án ở vùng Viễn Đông của Nga khi ông Abe tới thăm Mátxcơva hồi tháng trước.
Cũng trong tháng trước, Rosneft và tập đoàn Marubeni của Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận về việc xây dựng một nhà máy khí đốt hóa lỏng ở vùng Viễn Đông của Nga.
Tokyo đang mong muốn khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của Nga vì các nguồn cung năng lượng rất hạn chế của Nhật Bản. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện đã hợp tác với Nga về việc sản xuất khí đốt tại các dự án khác ở đảo Sakhalin.
Các nhà phân tích cho hay bất chấp các bất đồng về lịch sử, trong đó có cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập niên vốn ngăn cản hai bên ký kết một hiệp định hòa bình Thế chiến II, Tokyo và Mátxcơva đang mong muốn xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn, trong một khu vực mà sức mạnh của Trung Quốc đang ngày càng gây lo lắng.
Lo ngại của công chúng về điện hạt nhân sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011 cũng khiến Nhật Bản phải quay lại phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch.
An Bình
Theo AFP