1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga - Mỹ “lời qua tiếng lại” về vụ va chạm vệ tinh

(Dân trí) - Giới chức Nga, Mỹ hôm qua đã lời quan tiếng lại về việc bên nào chịu trách nhiệm cho vụ va chạm vệ tinh trong không gian vừa qua, gây ra những đám mảnh vỡ có nguy cơ đe dọa đến các tàu vũ trụ không người lái khác ở những quỹ đạo gần đó.

Nga - Mỹ “lời qua tiếng lại” về vụ va chạm vệ tinh - 1
Hình vẽ của Cơ quan vũ trụ châu Âu cho thấy các vật thể bay ở tầng quỹ đạo thấp nhìn từ Xích đạo.
Nga - Mỹ lời qua tiếng lại

 

Vụ va chạm nằm trên Siberia 800km vào hôm thứ ba vừa qua liên quan đến một tàu vũ trụ hết hạn sử dụng của Nga, từng phục vụ cho công tác viễn thông của quân đội, và vệ tinh đang hoạt động Iridium của Mỹ. Vệ tinh Iridium phục vụ cho các khách hàng thương mại cũng như Bộ quốc phòng Mỹ.

 

Một chuyên gia về vũ trụ hàng đầu của Nga cho rằng NASA đã không làm tròn nhiệm vụ khi không thể cảnh báo về vụ va chạm. Tuy nhiên các chuyên gia của Mỹ lại cho rằng Nga đã đánh giá sai họ.

 

Theo thiếu tá Regina Winchester, người phát ngôn của Cơ quan chỉ huy chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát mạng lưới do thám không gian của quân đội, quân đội Mỹ lần theo 18.000 vật thể trong quỹ đạo, và chỉ theo dõi những đe dọa nhất định, vì không đủ nguồn lực.

 

Còn người phát ngôn của Iridium, bà Elizabeth Mailander, cho hay, công ty của bà có thể dịch chuyển tất cả 65 vệ tinh của mình nếu nhận được lời cảnh báo chính xác trước khi xảy ra va chạm. Tuy nhiên, bà Mailander khẳng định đã không có lời cảnh báo nào được đưa ra vào hôm thứ ba vừa qua.

 

Công ty của bà trước đó cũng chưa bao giờ chuyển hướng vệ tinh của mình bởi những lời cảnh báo họ nhận được không đủ chính xác và cũng do có quá nhiều vệ tinh liên tục “nhảy nhót” quanh quỹ đạo.

 

Không ai biết có bao nhiêu mảnh vỡ bắn ra trong vũ trụ sau vụ va chạm giữa hai vệ tinh trên và những mảnh vỡ đó lớn tới mức nào. Nhưng các mảnh vỡ đã nằm rải rác ở những tầng quỹ đạo cách Trái đất từ 500km-1.300km. Thông tin này được thiếu tướng Alexander Yakushin, người đứng đầu Lực lượng không gian của quân đội Nga tiết lộ.

 

Theo giám đốc chương trình mảnh vỡ trong quỹ đạo của NASA, ông Nicholas Johnson, chuyên gia về mảnh vỡ trong vũ trụ sẽ nhóm họp vào tuần tới ở Vienna trong một cuộc thảo luận của LHQ để tìm cách ngăn chặn những vụ va chạm tương tự trong tương lai.

 

Igor Lisov, một chuyên gia vũ trụ hàng đầu của Nga, hôm qua cho biết ông không hiểu vì sao các chuyên gia về mảnh vỡ trong vũ trụ của NASA và Iridium lại không thể ngăn chặn được vụ va chạm, bởi vệ tinh Iridium vẫn đang hoạt động và quỹ đạo của nó có thể điều chỉnh được.

 

“Có thể đã có lỗi máy tính hoặc lỗi do con người”, ông nói. “Và cũng có thể là họ chỉ được trả tiền cho việc tập trung vào các mảnh vỡ nhỏ hơn, mà bỏ qua các vệ tinh đã chết”.

 

Tuy nhiên, theo Johnson, công việc trên lại thuộc về Mạng lưới do thám không gian của Bộ quốc phòng Mỹ. Cơ quan này được thành lập với sự giúp đỡ của NASA.

 

Ưu tiên hàng đầu của Mạng lưới này là bảo vệ các nhà du hành, cảnh báo xem có mối đe dọa nào đối với trạm vũ trụ quốc tế hoặc các tàu vũ trụ không người lái hay không. Và cơ quan này cung cấp cho NASA những cảnh báo chính xác về hàng chục vệ tinh có thể đi lạc quỹ đạo.

 

Cũng theo Johnson, hiện có khoảng  800-1.000 vệ tinh đang hoạt động trong quỹ đạo và có khoảng 17.000 mảnh vỡ và vệ tinh chết, giống như vệ tinh của Nga, không thể điều khiển được. Nhưng mạng lưới do thám không gian lại không có đủ nguồn lực để cảnh báo về tất cả các cuộc va chạm có thể xảy ra. “Rất tiếc là chúng tôi không thể lúc nào cũng dự đoán được tất cả các cuộc va chạm”, Winchester cho hay.

 

Một trang web cá nhân có tên Socrates cũng đưa ra những cảnh báo hàng ngày về các vụ va chạm của các vệ tinh và Iridium, với 65 vệ tinh, thường xuyên nằm trong top 10 vệ tinh có nguy cơ nhất. Theo Johnson, tuy nhiên, vệ tinh Iridium không có trong danh sách cảnh báo vào ngày thứ ba vừa qua.

 

Những nguy cơ có thể xảy ra

 

Theo đánh giá của Lisov, các mảnh vỡ có thể đe dọa đến một số lượng lớn các vệ tinh thời tiết và vệ tinh theo dõi Trái đất ở cùng tầng quỹ đạo.

 

Tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo Iridium nặng 560kg trong khi tàu vũ trụ Kosmos-2251 không còn hoạt động của Nga nặng gần 1 tấn. Kosmos đã được phóng lên vào năm 1993 và chấm dứt hoạt động hai năm sau đó, năm 1995.

“Có rất nhiều vệ tinh ở những quỹ đạo gần đó”, ông cho biết với hãng thông tấn AP. “65 vệ tinh khác của Iridium nằm trong quỹ đạo tương tự sẽ có nguy cơ lớn nhất; ngoài ra có vô số vệ tinh thời tiết và theo dõi trái đất ở những quỹ đạo gần đó. Các mảnh vỡ có thể gây ra một loạt các vụ va chạm”.

 

Cả mạng lưới theo dõi của Mỹ và Lực lượng không gian Nga đều theo dõi các mảnh vỡ và họ cho rằng chúng đang di chuyển với tốc độ khoảng 200m/giây.

 

Theo NASA, phải mất nhiều tuần mới biết được cường độ của vụ va chạm. Nhưng cả NASA và các cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga đều cho biết các mảnh vỡ gây ít nguy cơ đối với trạm vũ trụ quốc tế và ba nhà du hành trên đó.

 

Người phát ngôn của cơ quan điều hành sứ mệnh không gian Nga, Valery Lyndin, nhấn mạnh quỹ đạo của trạm vũ trụ quốc tế đã được điều chỉnh trước đó để tránh các mảnh vỡ trong không gian.

 

Theo giới chức Mỹ, các mảnh vỡ cũng không gây nhiều nguy hiểm đối với tàu vũ trụ dự định sẽ được phóng đi vào ngày 22/2 tới, cùng với phi hành đoàn 7 người.

  

Lisov cũng cho biết, các vệ tinh chạy bằng năng lượng hạt nhân, do Liên Xô xây dựng đã “chết” từ lâu và hiện đang ở các tầng quỹ đạo cao hơn cũng có nguy cơ bị va chạm. Song nếu một trong số chúng va chạm với các mảnh vở, thì bụi phóng xạ cũng không gây nguy hiểm cho Trái đất. Nhưng những mảnh vỡ được tăng tốc sau đó sẽ nhân nguy cơ va chạm với các vệ tinh khác lên nhiều lần.

 

Bethesda, công ty có trụ sở ở Maryland cho hay, họ sẽ thay thế vệ tinh đã mất bằng 1 trong 8 vệ tinh “thừa” hiện đang ở trong quỹ đạo trong vòng 30 ngày tới. Theo John Higginbotham, giám đốc của Integral Systems Inc., cơ quan điều hành dưới mặt đất cho các hệ thống hỗ trợ  vệ tinh, chi phí thay thế cho vệ tinh Iridium tốn kém khoảng từ 50 triệu đến 100 triệu USD.

 

Phan Anh

Theo AP