1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga - Mỹ "ăn miếng trả miếng", Thế chiến III trên bờ vực bùng nổ?

Thành Đạt

(Dân trí) - Những hành động đáp trả lẫn nhau và tuyên bố cứng rắn của các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ, Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới.

Nga - Mỹ ăn miếng trả miếng, Thế chiến III trên bờ vực bùng nổ? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).

Ngày 21/11, Nga tuyên bố tấn công Ukraine bằng một loại tên lửa siêu vượt âm tầm trung đời mới có tên gọi Oreshnik, sau đó cảnh báo Moscow có thể thử nghiệm tên lửa này với các nước phương Tây cung cấp tên lửa cho Kiev để sử dụng cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, tức là Mỹ.

Ông Putin cho hay, cuộc tấn công nhằm đáp trả việc Ukraine tập kích lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ trong 2 ngày liên tiếp.

Hai ngày trước đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố học thuyết hạt nhân mới của Nga cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các quốc gia tấn công Nga bằng vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất mà Tổng thống Joe Biden được cho là đã đồng ý cho Ukraine bắn vào lãnh thổ Nga.

Giữa lúc căng thẳng leo thang, Valerii Zaluzhnyi, Đại sứ Ukraine tại Anh và cựu Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, tin rằng với "sự tham gia trực tiếp của các đồng minh của Nga" vào cuộc chiến ở Ukraine, có thể coi như Thế chiến III đã bắt đầu.

"Tôi tin rằng, trong năm 2024, chúng ta hoàn toàn có thể xem là Thế chiến II đã nổ ra. Lý do là vào năm 2024, Ukraine không còn chỉ đối mặt với Nga, mà còn là binh sĩ từ Triều Tiên", ông nhận định.

Quan chức Ukraine nói thêm rằng các máy bay không người lái Shahed của Iran cũng đang tấn công Ukraine trong nhiều tháng qua. Ngoài ra, ông cũng cáo buộc Triều Tiên cấp tên lửa cho Nga tấn công Ukraine, cũng như Trung Quốc cung cấp linh kiện cho Moscow sản xuất vũ khí.

Ông Zaluzhnyi nhấn mạnh, hầu hết các sĩ quan quân đội đều đồng ý rằng tất cả những yếu tố này cho thấy một cuộc chiến tranh thế giới đã bắt đầu và các nước nên chuẩn bị cho kịch bản đó.

Nguy cơ căng thẳng leo thang

Đánh giá về tình hình căng thẳng hiện nay, các chuyên gia nói với trang tin New York Post rằng những động thái này không đưa thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn cầu, mà thực chất đây chỉ là hành động đe dọa hạt nhân của Nga.

Theo các chuyên gia, Nga dường như đang lo lắng trước thềm nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

"Đây chắc chắn là tín hiệu gửi đến phương Tây. Tôi nghĩ rằng Nga rõ ràng lo ngại việc chúng ta đã cho phép Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa của phương Tây", John Hardie, giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, nhận định.

"Tôi nghĩ rằng, nhìn chung, Nga đang cố gắng đe dọa phương Tây từ bỏ sự ủng hộ đối với Ukraine và để Nga làm theo ý mình", ông Hardie cho biết.

Những chiến thuật gây sợ hãi của Nga có thể đã khiến Tổng thống Biden trì hoãn hành động quyết liệt hơn để ủng hộ Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến, nhưng không rõ chiến thuật này có hiệu quả như thế nào đối với Tổng thống đắc cử Trump, người vốn không dễ bị đe dọa và được cho là đã ra tín hiệu ủng hộ Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Theo trang tin quân sự Avia Pro, mặc dù trước đây ông Trump đã nhiều lần ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, nhưng sự im lặng bất thường của ông về các cuộc tấn công tầm xa gần đây vào lãnh thổ Nga đã làm dấy lên nhiều nghi vấn.

Ông Trump không đưa ra tuyên bố nào lên án hành động gần đây của chính quyền Tổng thống Biden về việc "cởi trói" vũ khí tầm xa cho Ukraine. Một số nguồn tin cho rằng, ông Trump có thể đã thảo luận vấn đề này với ông Biden ngay trước khi quyết định chấp thuận cho Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Mặc dù vậy, vụ phóng tên lửa mới đã cho thấy góc nhìn rõ ràng hơn về quá trình phát triển vũ khí của Nga.

Tên lửa mới được tiết lộ có khả năng đã bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung Mỹ - Nga. Ông Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp ước này trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2018 sau khi cáo buộc Moscow vi phạm thỏa thuận bằng cách phát triển một tên lửa hành trình tầm trung có tên gọi là SSC-8.

Theo cựu sĩ quan tình báo Cơ quan Tình báo Trung ương (Mỹ) CIA và quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Larry Johnson, cuộc tấn công bằng tên lửa mới vào Ukraine là cách Tổng thống Putin gửi thông điệp tới phương Tây và Mỹ sau khi Washington "đơn phương hủy bỏ" hiệp ước INF.

"Tôi nghĩ rằng Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo Mỹ và phương Tây rằng: "Các ông đã hủy bỏ hiệp ước đó. Bây giờ, chúng tôi sẽ cho các ông thấy những gì chúng tôi có", ông Johnson nói với hãng tin Sputnik.

"Đây là tên lửa siêu vượt âm nên nó di chuyển với tốc độ mà không hệ thống phòng không phương Tây nào có thể ngăn chặn được. Vì vậy, khi phá hủy một cơ sở phòng thủ ở Dnepropetrovsk, ông Vladimir Putin đã gửi một thông điệp rất rõ ràng tới phương Tây rằng sẽ còn nhiều điều nữa sẽ xảy ra. Chúng ta hãy cùng xem phương Tây có lùi bước hay không", ông Johnson nói thêm.

Nga được cho là đã thông báo trước cho Mỹ về vụ phóng tên lửa mới vào Ukraine, khiến đại sứ quán Mỹ tại Kiev phải đóng cửa tạm thời trong tuần này. Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có nghĩa vụ thông báo cho nhau về các vụ thử tên lửa lớn được lên kế hoạch từ trước, để giảm nguy cơ tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân ngoài ý muốn.

"Tôi nghĩ chúng ta nên coi trọng vấn đề này, đó là năng lực mới của Nga, nhưng tôi không nghĩ chúng ta nên lo ngại vì điều đó", chuyên gia Hardie nhận định về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

"Tôi nghĩ rõ ràng, chúng ta không nên bị đe dọa bởi những điều như vậy. Đó sẽ là một bước tiến lớn đối với Nga mà tôi không thấy có khả năng xảy ra", ông Hardie nói thêm.

Các chuyên gia khác cũng cho rằng, động thái của Nga là một chiến thuật gây sợ hãi.

Chuyên gia George Barros tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh nói rằng sự thay đổi học thuyết hạt nhân "chỉ đơn giản là một cách báo hiệu của Nga và thực sự có tín hiệu tuyệt vọng, vì Nga hiểu rằng họ dễ bị tổn thương và cách để họ phản ứng với điều này thực sự khá hạn chế".

Theo chuyên gia, Nga cũng nhận thức được rằng, họ không thể tấn công một nước thành viên NATO vì theo quy định phòng vệ tập thể, một cuộc tấn công như vậy sẽ đồng nghĩa với việc Nga phải đối đầu với đòn đáp trả từ tất cả thành viên còn lại của liên minh.

"Việc phóng một tên lửa vào một quốc gia NATO sẽ là một hành động chiến tranh. Tôi không nghĩ rằng kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga có khả năng xảy ra. Tôi cho rằng đã có những thời điểm trong cuộc chiến này, khả năng đó dễ xảy ra hơn so với thời điểm hiện tại, nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn không cao, vì vậy tôi sẽ không lo lắng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, và chắc chắn là không phải chống lại các nước phương Tây", chuyên gia Hardie nói thêm.

Trong những ngày tới, chuyên gia Hardie cho biết ông tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ khám phá thêm về tên lửa mới của Nga, có thể giúp làm sáng tỏ những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp quốc phòng của Điện Kremlin. Tuy nhiên, chuyên gia Hardie nhận định loại vũ khí này có khả năng vẫn đang trong quá trình phát triển.

Người phát ngôn NATO Farah Dakhlallah tuyên bố, việc Nga sử dụng tên lửa mới để tấn công Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến diễn biến cuộc chiến.

"Việc triển khai khả năng này sẽ không làm thay đổi tiến trình xung đột cũng như không ngăn cản các đồng minh NATO hỗ trợ Ukraine", người phát ngôn NATO nói, đồng thời gọi đây là "một ví dụ khác về làn sóng tấn công của Nga nhằm vào các thành phố ở Ukraine.

Theo NYPost, Sputnik, Avia Pro