1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga khó đạt mục tiêu hiện đại hóa quân đội vì lý do tài chính

(Dân trí) - Cho dù ngân sách quốc phòng bội chi kỷ lục thì Nga vẫn không thể đạt được các mục tiêu hiện đại hóa quân đội.

Siêu xe tăng Armata T-14 của Nga trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. (Ảnh:

Siêu xe tăng Armata T-14 của Nga trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. (Ảnh: ABC News)

Chi quốc phòng của Nga năm 2015 nhiều hơn bao giờ hết kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Theo phân tích của tạp chí Forbes, năm 2015 Nga có thể chi đến 5,34% GDP cho quốc phòng. Đánh giá này của Forbes dựa trên cơ sở là nền kinh tế Nga đã bị giảm 3% trong khi chi quốc phòng lại tăng 15%. 

Còn theo phân tích của Wall Street Journal, GDP của Nga năm nay có thể giảm đến 4,6% do giá dầu thô giảm và chịu trừng phạt kinh tế của phương Tây, hậu quả là tổng kinh phí ngân sách quốc phòng 3,3 nghìn tỷ rúp (62 tỷ USD) có thể sẽ bị cắt giảm 5%, tức là khoảng 157 tỷ rúp (3 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo số liệu ngân sách 3 tháng đầu năm 2015, chi quốc phòng của Nga đã vượt quá 9% GDP của cả quý, tức là gần gấp đôi con số mà Forbes đưa ra.

Tuy nhiên, Nga khó đạt mục tiêu hiện đại hóa quân đội do không thể chi cho quốc phòng ở mức lớn như vậy. “Nền kinh tế Nga hiện nay không thể điều chuyển những nguồn lực tài chính lớn như vậy để đáp ứng chương trình tái vũ trang 2011-2020. Trung tâm Phân tích công nghệ và chiến lược Nga nhận định “khó khăn này sẽ làm giảm hiệu quả chương trình đổi mới vũ khí thiết bị của quân đội Nga”.

Cách duy nhất để Nga có thể tăng chi tiêu quân sự như hiện nay là dùng đến nguồn dự trữ mà Mátxcơva có được trong những năm qua, khi giá dầu mỏ còn cao. Với khoản dự trữ này, ước tính tương đương khoảng 6% GDP, Nga có thể duy trì được 2 năm ở mức thâm hụt 3,7% tổng ngân sách. Nhà kinh tế học người Nga Sergei Guriev nhận xét. Tuy nhiên, chỉ mới hết quý I/2015, Nga đã chi quá nửa ngân sách quốc phòng cả năm 2015, và với mức chi quốc phòng đó, Nga chắc chắn sẽ dùng hết dự trữ quốc gia ngay trong năm nay.

Trong một bài viết mới đây, Guriev cũng đã hài hước nhận xét về siêu xe tăng Armata từng xuất hiện trong lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ nhân Ngày Chiến thắng: “Armata đúng là có một sức mạnh hủy diệt chưa từng thấy, một sư đoàn Armata có thể tiêu diệt hoàn toàn ngân sách của nước Nga”.

Nga có kế hoạch đến năm 2020 sẽ sản xuất 2.300 siêu xe tăng Armata T-14, với ý định thay thế 70% số xe tăng T-72 và T-90 hiện có bằng loại xe mới. Mỗi chiếc Armata có giá khoảng 8 triệu USD nên kế hoạch này có thể sẽ tiêu tốn đến 18,4 tỷ USD.

Từ năm 2010, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra dự án hiện đại hóa quân đội Nga trị giá 20.000 tỷ rúp (376 tỷ USD) nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thay thế xong 70% số vũ khí thiết bị đã có từ thời Liên Xô. Việc thay thế này bao gồm cả đóng mới 50 tàu chiến, hàng trăm máy bay chiến đấu và hàng nghìn xe chiến đấu cơ giới tăng và bọc thép.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2015, ông Putin đã phải thừa nhận rằng “nền công nghiệp quốc phòng Nga chưa sẵn sàng để sản xuất một số loại vũ khí đúng thời hạn kế hoạch”. Nhưng ông cũng nói thêm “dù sao chương trình này vẫn sẽ được hoàn thành”.

Theo chuyên gia quốc phòng Nga Dmitry Gorenburg, Mátxcơva có thể thực hiện tiến trình hiện đại hóa quân đội chậm lại cho đến khi giá dầu mỏ được phục hồi, vì “với các khoản bội chi, ngân sách dự tính sẽ không đủ để xây dựng những gì họ muốn. 

Trong khi đó, nhà kinh tế Sergei Guriev kết luận “nếu nước Nga không thể chi đến 4% ngân sách cho quốc phòng vào lúc kinh tế phát triển tốt thì cũng không thể xoay sở nổi mức chi tiêu quốc phòng lớn như hiện nay, khi mà giá dầu mỏ giảm sâu, phương Tây trừng phạt và nền kinh tế thì suy thoái…”.

Uyên Châu
Theo Diplomat

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm