1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga - Iran hợp tác ở Syria: Thông điệp nào cho Mỹ?

(Dân trí) - Việc Nga lần đầu tiên sử dụng căn cứ không quân tại Iran để tiến hành chiến dịch không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân khác ở Syria đang gửi tới Mỹ một thông điệp rõ ràng: Nga sẽ hợp tác với Iran nếu Mỹ vẫn "lập lờ".


Máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga tại căn cứ Hamedan. (Ảnh: Getty)

Máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga tại căn cứ Hamedan. (Ảnh: Getty)

Nga sẽ hợp tác với Iran nếu Mỹ vẫn "lập lờ"

Sứ mệnh được Nga triển khai từ căn cứ ở Iran hôm 16/8 được đánh giá là động thái khá bất ngờ. Theo đó, Tehran cho phép các máy bay chiến đấu Nga cất cánh từ lãnh thổ nước này để tham gia chiến dịch không kích ở Syria. Thời gian qua, Mỹ gần như bất lực trước tình trạng leo thang xung đột ở các khu vực xung quanh thành phố chiến lược Aleppo và mới đây đã đề nghị xây dựng liên minh với Nga trong cuộc chiến chống IS và các phần tử Hồi giáo cực đoan như cách để giúp Syria thoát khỏi cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua.

Quá trình đàm phán về khả năng triển khai chiến dịch chung giữa Nga và Mỹ ở Syria đã kéo dài nhiều tuần qua. Có vẻ như Moscow không còn giữ được sự kiên nhẫn. Trong khi nhiều quan chức hàng đầu của Nga đã đề cập tới khả năng hai nước sẽ sớm tiến hành chiến dịch chung thì phía Mỹ vẫn khẳng định hai bên chưa thể "cùng chung chiến tuyến". Do vậy, quyết định triển khai chiến dịch không kích IS ở Syria từ 1 căn cứ tại thành phố Hamedan, cách thủ đô Tehran khoảng 280km về phía Tây Nam, có thể là thông điệp gửi tới chính quyền của Tổng thống Barack Obama rằng Nga sẽ hợp tác với Iran nếu Mỹ vẫn "lập lờ".

Chuyên gia về Syria tại Viện Chính sách Cận Đông ở thủ đô Washington của Mỹ, ông Andrew Tabler, cho rằng các chiến dịch không kích với sự tham gia của máy bay Nga cất cánh từ căn cứ ở Iran trong 2 ngày 16-17/8 đang củng cố liên minh giữa Moscow với Tehran trong khu vực. Ông nói: "Nga đang cho Mỹ thấy họ có lựa chọn cho tình hình ở Syria trong khi Mỹ đang bị đẩy vào tình cảnh khó xoay sở ở thành phố Aleppo".

Nga và Iran luôn ủng hộ mạnh mẽ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad trong cuộc chiến kéo dài năm năm rưỡi qua với các nhóm phiến quân được Mỹ và một số nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia hỗ trợ. Tuy nhiên, phương Tây dường như đang đặt hy vọng vào việc Nga có thể mang lại giải pháp cho tình hình Syria.

Theo các quan chức ngoại giao của Mỹ và châu Âu, khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria hồi tháng 8 năm ngoái, nước này đã bí mật thông báo rằng chiến dịch của họ sẽ không liên quan tới Iran và lực lượng Hezbollah ở Syria, qua đó giảm bớt những sức ép lên chính phủ của Tổng thống Assad trong tiến trình đàm phán hòa bình.

Iran không còn bị gạt sang một bên

Tuy nhiên, động thái mới nhất giữa Nga và Iran cho thấy Tehran sẽ không còn bị “gạt ra”. Trong hàng chục năm qua, Iran chưa từng để cường quốc nào sử dụng lãnh thổ nước này để phát động các chiến dịch tấn công. Và Nga mới chỉ sử dụng lãnh thổ của Iran và các vũ khí tại Syria cho những kế hoạch tấn công IS và các nhóm phiến quân khác. Do vậy, có ý kiến cho rằng sẽ ra sao nếu Nga tiến gần hơn với liên minh giữa Syria - Iran - Hezbollah, liệu điều này có đồng nghĩa với việc “ngày tàn” của các phe đối lập ở Syria đang gần đến?


Máy bay ném bom Su-24 của Nga tham gia chiến dịch tại Syria. (Ảnh: Sputnik)

Máy bay ném bom Su-24 của Nga tham gia chiến dịch tại Syria. (Ảnh: Sputnik)

Sau khi thông tin về việc máy bay Nga cất cánh từ căn cứ tại Iran tham gia chiến dịch ở Syria được lan rộng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov để thảo luận về các chiến dịch của Nga ở quốc gia Trung Đông này. Bên cạnh đó, có thể nhận thấy rõ sự bối rối từ phía Mỹ khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner trong động thái đầu tiên chỉ nói rằng: “Washington vẫn đang tìm cách đánh giá chính xác điều gì đang diễn ra”.

Trong khi đó, Đại tá Christopher Garver, người phát ngôn của quân đội Mỹ tại Iraq, cho biết Nga đã kích hoạt một tuyến liên lạc với giới chức của liên minh quốc tế chống IS ngay trước khi bắt đầu kế hoạch trên. Đại tá Christopher Garver noí: “Họ đã thông báo với chúng tôi về việc các máy bay của họ sẽ đi qua không phận vốn có thể khiến những máy bay đó gần với máy bay của Mỹ và liên quân tại Iraq hoặc Syria”.

Đánh giá về sự kiện máy bay Nga cất cánh từ Iran, một số quan chức Mỹ giấu tên cho rằng khả năng chuẩn bị cho chiến dịch này ở căn cứ Hamadan được Nga tổ chức rất nhanh, có thể là vào ban đêm. Một quan chức Mỹ cho biết Không quân Nga đã điều 4 máy bay ném bom Tu-22 Backfire tới căn cứ không quân ở Iran, cùng với một máy bay vận tải chở đầy đạn dược, chỉ vài giờ trước khi chiến dịch bắt đầu. Một quan chức khác của Mỹ cho rằng tất cả các máy bay chiến đấu này đã trở về Nga trong ngày 16/8, đồng thời nhận định hành động này chỉ là một “phép thử”, không phải sự bắt đầu cho giai đoạn hiện diện thường trực của quân đội Nga tại Iran.

Ngọc Anh

Tổng hợp