1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga điều thêm 3 tàu tên lửa rất mạnh sang Syria

Liên tiếp trong 3 ngày, 3 tàu tên lửa có hỏa lực rất mạnh của Hạm đội Biển Đen/Nga đã rời cảng của hạm đội lên đường tới Syria đánh IS.

Nga liên tiếp điều 3 tàu tên lửa sang Syria đánh IS

Theo truyền thông Nga, trong mấy ngày qua hải quân Nga đã liên tiếp điều động các tàu tên lửa cỡ nhỏ nhưng có sức tấn công mạnh thuộc Hạm đội Biển Đen tới gia nhập vào nhóm tác chiến của Hạm đội này đang đồn trú ở Địa Trung Hải, giáp với bờ biển Syria.

Theo nguồn tin trong cơ quan quân sự Crimea, tàu tên lửa nhỏ (MRK) Mirazh thuộc Project 1234 của Hạm đội Biển Đen (BSF) đã xuất phát từ cảng chính của hạm đội ở Sevastopol tới bờ biển Syria, tham gia cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ngày 3/10 vừa qua, biên đội tàu mặt nước ở Địa Trung Hải của Hải quân Nga đã bổ sung thêm hai tàu tên lửa cao tốc của Hạm đội Biển Đen là Zelyonyi Dol (số hiệu 107) và Serpukhov (108) (thuộc dự án 21.631, lớp Buyan-M), được trang bị tên lửa hành trình thế hệ mới Kalibr.

Đại diện hải quân Nga Nikolay Voskresensky nhấn mạnh rằng, các tàu tên lửa Mirazh (mang tên lửa chống hạm P-120 Malakhit), Serpukhov và Zeleny Dol (mang tên lửa hành trình đa năng Kalibr) được điều động đến Địa Trung Hải để thay thế cho các tàu chiến trước đó đã triển khai tại đây.

Trên thực tế, Serpukhov và Zeleny Dol đã tham gia vào chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Syria vào hồi giữa tháng 8 năm nay. Hai tàu này đã phóng 3 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr 3M-14T vào các mục tiêu của al-Nusra tại Aleppo, trước khi quay trở lại bán đảo Crimea.

Với sự hiện diện của các tàu tên lửa tuy nhỏ nhưng hỏa lực mạnh mẽ, biên đội tàu Địa Trung Hải của Nga sẽ được tăng cường hỏa lực mạnh mẽ và trong thời gian tới sẽ còn mạnh hơn với sự hiện diện của tàu sân bay duy nhất của Nga là Đô đốc Kuznetsov.

Nga đã điều động rất nhiều chiến hạm mạnh mẽ đến bờ biển Syria
Nga đã điều động rất nhiều chiến hạm mạnh mẽ đến bờ biển Syria

Giữa tháng 10, tàu sân bay này sẽ đến Địa Trung Hải để gia nhập nhóm tàu chống khủng bố tại Syria. Kuznetsov sẽ mang theo các tiêm kích hạm Su-33 và MiG-29K, cùng trực thăng tấn công số 1 thế giới Ka-52K thường trực ở Địa Trung Hải trong thời gian từ 4 đến 5 tháng.

Được biết, không chỉ trong khoảng thời gian tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Syria từ tháng 9/2015, trong vài năm qua, hải quân Nga cũng thường duy trì một biên đội tác chiến từ 5-6 tàu nổi ở Địa Trung Hải, nhằm bảo vệ lợi ích của Nga ở khu vực này.

Tính năng các loại tên lửa trên tàu tên lửa Nga

Dòng tên lửa hành trình đa năng Kalibr do Viện nghiên cứu OKB Novator ở Yekaterinburg, thuộc Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei phát triển. Đây là một họ tên lửa với nhiều biến thể dành cho quân đội Nga và khách hàng nước ngoài.

Kalibr có đầy đủ các các biến thể dành cho Lục quân (Kalibr-M) và Không quân Nga (Kalibr-A), nhưng các tên lửa này được trang bị phổ biến nhất trong Hải quân Nga. Chúng đang được sản xuất để trang bị cho tàu ngầm (Kalibr-PL) và tàu nổi (Kalibr-NK).

Hệ thống Kalibr-NK trên tàu nổi có 2 phiên bản là tên lửa chống hạm 3M-54T và tên lửa tấn công mặt đất 3M-14T.

Tên lửa tấn công mặt đất dẫn đường quán tính 3M-14T được định danh DOD là SS-N-30A, được triển khai cho các tàu mặt nước với hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) UKSK - một loại bệ phóng thẳng đứng đa năng, có thể phóng cả các tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Oniks.

Tàu chiến Project 1234 của Nga phóng tên lửa P-120 Malakhit
Tàu chiến Project 1234 của Nga phóng tên lửa P-120 Malakhit

3M-14T có chiều dài cơ bản 8,9 m (29 ft), đầu đạn nặng 450 kg, tốc độ hành trình cận âm Mach 0,8, phạm vi tấn công xa tới 2500km. Tên lửa này có tầm phóng và tính năng được cho là tương đương với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Tên lửa 3M-54T, theo định danh của Bộ Quốc phòng Nga (DOD) là SS-N-27A (tên mã NATO là Sizzler) có chiều dài 8,9m, đầu đạn nặng 200kg nhưng tầm phóng tối đa lên tới 660km, đoạn cuối bay ở độ cao 4,6m so với mặt biển, với vận tốc 2,9Mach.

Còn tên lửa P-120 Malakhit được ra mắt vào năm 1972, là sản phẩm của viện thiết kế CKBM Design Bureau (hiện nay là NPO Mashinostroenia), dựa trên cơ sở của loại tên lửa đối hạm đời trước P-70 Ametist, với kích thước lớn hơn để có thể đạt được tầm bắn xa hơn.

P-120 có cả phiên bản trên tàu nổi và tàu ngầm. Khi phóng từ tàu ngầm, tên lửa đạt tầm bắn 70km với đầu đạn thường nặng 840kg và 110km với đầu hạt nhân 200 kiloton. Khi phóng từ tàu mặt nước, cự ly bắn lần lượt là 120 (đầu đạn thường 500kg) và 150km với đầu đạn hạt nhân.

Tuy hiện nay P-120 được coi là dòng tên lửa thế hệ cũ nhưng nó cũng đã được cải tiến rất nhiều và tầm bắn của Malakhit cũng không kém gì so với các tên lửa chống hạm phương Tây. Do đó, loại tàu tên lửa trang bị loại tên lửa này vẫn còn rất hữu dụng trong các cuộc hải chiến.

Theo Nhật Nam

Đất Việt