1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga âm thầm mà "cao tay" trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Trung Đông

Việc Nga can thiệp thành công vào Syria hồi năm 2015 là cơ sở để Moscow ngày càng nỗ lực gia tăng hiện diện tại Trung Đông.

Mặc dù không có cả mong muốn lẫn năng lực tài chính hay năng lực quân sự để thực sự thay thế Mỹ tại khu vực Trung Đông, song Nga đã tỏ ra "cao tay" trong việc tự xác định được chỗ đứng và tầm ảnh hưởng của mình ở trung tâm của các cuộc khủng hoảng và xung đột, đồng thời tự thiết lập vai trò trung gian hòa giải không thể thiếu được với cái giá phải trả tương đối thấp.

Điều này có thể thấy rõ nhất tại Syria và Libya, nơi Nga và các cường quốc khu vực khác đã kiểm soát được những biến động chính trị và quân sự phức tạp, trong khi Mỹ lại tập trung vào các chiến dịch chống khủng bố.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Nga để trở thành nhân tố chủ chốt trong cả cuộc xung đột Israel-Palestine và tại Lebanon lại ít được nhắc đến hơn. Diễn biến gần đây tại cả hai đấu trường nói trên có thể tạo thêm cơ sở và điều kiện để Nga hoàn tất mục tiêu tự đóng vai trò thiết yếu ở khu vực Trung Đông.

Nâng tầm quan hệ với Palestine

Việc Nga can thiệp thành công vào Syria hồi năm 2015 là cơ sở để Moscow gia tăng hiện diện tại Trung Đông. Trong khi Mỹ thất bại trong những nỗ lực nhằm thiết lập một liên minh với Nga để chống lại các nhóm thánh chiến Hồi giáo tại Syria hồi tháng 9/2016 - một thỏa thuận ngầm đảm bảo để Tổng thống Syria Bashar al Assad tiếp tục duy trì quyền lực và cho phép Nga có thể chú tâm vào những vấn đề khác - thì Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Moscow giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017 - một động thái vốn dẫn đến việc chính quyền Palestine cắt đứt mọi liên hệ với Mỹ, bao gồm cả mối quan hệ an ninh với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - quan hệ giữa Palestine và Nga đã được tăng cường đáng kể.

Nga âm thầm mà cao tay trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Trung Đông - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong chuyến thăm Moscow năm 2018. (Nguồn: Reuters)

Đích thân Tổng thống Abbas đã dẫn đầu một đoàn đại biểu cấp cao thăm Nga vào đầu năm 2018 nhằm thảo luận về một định dạng đa phương mới cho các cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine mà Nga đóng vai trò trung tâm trong định dạng này.

Năm 2018, Nga cũng lần đầu tiên gặp gỡ trực tiếp nhóm Thánh chiến Hồi giáo của người Palestine - một lực lượng ủy nhiệm của Iran từng bị Nga coi là tổ chức khủng bố. Các cuộc liên lạc trực tiếp với phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine - lực lượng Nga không bao giờ coi là một tổ chức khủng bố - cũng gia tăng, đỉnh điểm là cuộc gặp cấp cao của nội bộ người Palestine có sự tham dự của tất cả các phe nhóm tại Dải Gaza và khu Bờ Tây, bao gồm chính quyền Palestine, vào tháng 2/2019.

Mặc dù Nga đã thất bại trong việc buộc Hamas và Thánh chiến Hồi giáo ký “Tuyên bố Moscow” do Nga khởi xướng, nhằm phản bác các tuyên bố của Mỹ, song việc tham vấn gần gũi với tất cả các phe nhóm người Palestine vẫn được duy trì với việc Nga thúc ép các tổ chức này hợp nhất lại theo một chương trình chính trị của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Mặc dù mục tiêu trên có vẻ bất khả thi, song tháng 7/2020, Nga đã cố gắng gọi điện thuyết phục ông Jibril Rajoub, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương của phong trào Fatah, nhằm tổ chức một hội nghị trực tuyến chung với Hamas để ra mắt một mặt trận thống nhất.

Kể từ cuối tháng 8/2020, Nga đã tiến hành tham vấn hầu như hằng ngày với các lãnh đạo cấp cao người Palestine của một số phe nhóm chính, đặc biệt là cuộc họp trực tuyến hôm 3/9 giữa 14 phe nhóm chủ chốt. Cả trước và đặc biệt là kể từ sau cuộc họp này, Nga liên tục thúc đẩy để tất cả các phe phái tham dự một hội nghị cấp cao khác của người Palestine tại Moscow nhằm giúp thúc đẩy các nỗ lực hợp nhất sớm đạt được kết quả.

Với vai trò trung tâm của Nga trong cuộc xung đột Israel-Palestine, ít ra thì các phe phái cũng đã đoàn kết lại với nhau. Tháng 7/2020, một quan chức cấp cao của Hamas là ông Moussa Abu Marzuk đã tuyên bố chỉ có Nga mới có thể giúp người Palestine chống lại Mỹ, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riyad al-Maliki phát biểu hồi tháng 6/2020 rằng: “Chúng tôi tin tưởng Tổng thống Vladimir Putin… Palestine sẵng sàng đối thoại với Israel thông qua hình thức hội nghị trực tuyến và dưới sự bảo trợ của Nga”.

Gia tăng hiện diện tại Lebanon

Sự hiện diện ngày càng gia tăng của Nga tại Lebanon diễn ra ồ ạt sau khi Moscow can thiệp thành công ở Syria, nơi Lebanon cũng dính líu hàng thập kỷ. Một báo cáo điều tra năm 2019 của tờ Novaya Gazeta (Báo Mới) cho thấy một chiếc máy bay thương mại có liên quan đến Yevgeny Prigozhin, ông chủ trên danh nghĩa của lực lượng lính đánh thuê “Wagner” vốn được đặt dưới sự chỉ đạo hoàn toàn của Cục Tình báo Quân sự Nga (GRU), đã thực hiện các chuyến bay hàng tháng tới Beirut, ít nhất là kể từ tháng 12/2016.

Từ Beirut, các lính đánh thuê có thể bay tới hàng loạt chiến trường của các chiến dịch mà lính đánh thuê triển khai tại Syria và châu Phi. Nếu liên hệ với các tuyên bố về việc ông Igor Sergun - người đứng đầu GRU - qua đời bất thường vào tháng 1/2016 tại Lebanon chứ không phải tại Moscow, có bằng chứng gián tiếp cho thấy Beirut chính là một trung tâm chiến dịch của các hoạt động của Nga tại Trung Đông.

Những nỗ lực của Nga để trở thành người đóng vai trò chính trị chủ chốt tại Lebanon gần như đã thất bại cho tới cuối năm 2018 khi Lebanon chấp nhận một khoản viện trợ quân sự quan trọng, nếu mang tính biểu tượng, trị giá 5 triệu USD của Nga.

Nga âm thầm mà cao tay trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Trung Đông - 2

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Lebanon Gebran Bassil trong một cuộc gặp tại thủ đô Moscow tháng 8/2018. (Nguồn: AFP)

Mặc dù cho đến nay Moscow vẫn chưa thể giành được chữ ký của Lebanon cho một bản dự thảo thỏa thuận về quân sự, nhưng kể từ năm 2019 quan hệ giữa hai bên đã phát triển gần gũi hơn về chính trị và Nga đã trở nên "xông xáo" hơn trong lĩnh vực năng lượng của Lebanon.

Tuy nhiên, cho đến khi xảy ra vụ nổ kho hóa chất tại Beirut kéo theo hệ lụy là chính phủ Lebanon buộc phải từ chức, Nga đơn thuần không còn là nhân tố đáng kể tại Lebanon. Giờ đây, khoảng trống chính trị vốn đã phát triển và quan hệ gần gũi của Moscow với tất cả các bên lẽ ra có thể giúp mở cánh cửa ảnh hưởng Nga trong nền chính trị Lebanon.

Đơn cử, hôm 17/8, cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đã cử cố vấn tới tham vấn phái viên của Tổng thống Putin về Trung Đông, ông Mikhael Bogdanov, về diễn biến chính trị tương lai của nước này.

Ông Bogdanov cũng đã có các cuộc điện đàm với ông Hariri, ông Walid Jumblatt - một “lái buôn chính trị” của người Hồi giáo tại Lebanon - và nhân vật Gebran Bassil thuộc Phong trào Yêu nước Tự do, cũng như gặp Đại sứ Lebanon tại Moscow và cố vấn của Tổng thống Lebanon Michel Aoun, với các cuộc tham vấn cuối cùng diễn ra trong ngày 27/8.

Tân Thủ tướng Lebanon Mustapha Adib đã được chỉ định từ hôm 31/8, cho dù tương lai thực tế của chính phủ nước này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Hiện vẫn chưa rõ các biện pháp trừng phạt mang tính triệt hạ của Mỹ áp đặt đối với cả Iran và chế độ Assad, tất nhiên sẽ tác động đến Lebanon, kèm theo đó là sức ép quốc tế gay gắt đối với cải cách sẽ cản trở hoặc tạo thuận lợi cho ảnh hưởng của Nga tại Lebanon.

Mặc dù vậy, điều chắc chắn sẽ giúp ích cho Nga là mối quan hệ đối tác ngày càng gần gũi của nước này với Pháp, nước đã đóng vai trò dẫn dắt tại Lebanon sau vụ nổ ở Beirut thông qua hàng loạt vấn đề chính trị và quân sự, cũng như mối quan hệ liên minh của Moscow với Iran, Syria và Hezbolla - những nhân tố có liên quan nhiều nhất lại Lebanon.

Khi Lebanon chuẩn bị công tác tái thiết thủ đô, Nga - nước duy nhất vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với mọi chủ thể nhà nước và phi nhà nước liên quan ở Lebanon - có thể trở thành người nắm quyền phán xử tối thượng như đã thể hiện hiệu quả vai trò này tại Syria và Libya.