Nelson Mandela giờ mới được Mỹ đưa ra khỏi danh sách khủng bố
(Dân trí) - Tự nhận là một điều đáng xấu hổ, Nhà Trắng hôm qua cho biết Tổng thống Bush vừa mới ký dự luật đưa Nelson Mandela, người đã đấu tranh không biết mệt mỏi chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, ra khỏi danh sách khủng bố của nước Mỹ.
Đảng Đại hội quốc gia Nam Phi (ANC) bị chế độ apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc) ở Nam Phi quy kết là tổ chức khủng bố trong những năm 1960.
Theo Barbara Lee, nghị sỹ đảng Dân chủ đại diện cho California, quy kết trên sau đó được áp dụng ở Mỹ trong những năm 1980, dưới thời của Tổng thống Ronald Reagan. Theo đó, các thành viên của ANC, như nhà lãnh đạo Nelson Mandela, chỉ có thể tới trụ sở LHQ tại New York, nhưng không được tới thủ đô Washington DC hay những nơi khác ở nước Mỹ.
Theo bà Lee, đây là một sự nhầm lẫn lớn, khi liệt các anh hùng và những chiến sỹ đấu tranh cho tự do vào danh sách khủng bố của Mỹ.
Được biết, dự luật đã được gửi tới Nhà Trắng vào tuần trước và được Tổng thống Bush ký đúng vào thời điểm nhã lãnh đạo chống nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi nổi tiếng thế giới, Nelson Mandela, và người từng giành giải Nobel Hòa bình đang kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 vào ngày 18/7 tới.
“Hôm nay, nước Mỹ cuối cùng đã tiến gần hơn tới việc loại bỏ được nỗi xấu hổ lớn, xúc phạm danh dự tới nhà lãnh đạo lớn của thế giới, khi đưa cả ông vào danh sách những tên khủng bố bị theo dõi của chính phủ”, Thượng nghị sỹ John Kerry phát biểu sau khi dự luật được thông qua vào hôm thứ sáu.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Rice hồi tháng tư gọi những giới hạn trước đó là “vấn đề khá xấu hổ mà tôi vẫn phải thực hiện đối với người đồng nhiệm của tôi, Ngoại trưởng Nam Phi, chứ chưa nói đến nhà lãnh đạo lớn Nelson Mandela”.
Chính phủ phân biệt chủng tộc apartheid trước kia của Nam Phi đã cấm ANC hoạt động vào năm 1960, bỏ tù và buộc các nhà lãnh đạo của ANC phải sống lưu vong. Bản thân nhà lãnh đạo lớn Mandela cũng bị giam cầm suốt 27 năm, và mãi đến năm 1990 ông mới được trả tự do. Sau đó, ông trở thành tổng thống đầu tiên của Nam Phi trong kỷ nguyên hậu apartheid. Ông đã về hưu sau một nhiệm kỳ làm tổng thống.
Phan Anh
Theo AP, BBC