1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO duyệt binh gần Nga, Trung Quốc bất ngờ đánh tiếng

Cách biên giới Nga chỉ 300m, vũ khí NATO đã tập trung về đây để duyệt binh, trong khi đó, thỏa thuận Minsk chưa hề có tiến triển.

Vũ khí NATO áp sát biên giới Nga

Vũ khí NATO đã xuất hiện tràn ngập trong lễ duyệt binh tổ chức ở thị trấn Narva cách biên giới Nga chỉ … 300 m nhân Ngày Độc lập Estonia.

Theo đó, hơn 140 thiết bị quân sự của NATO tham gia buổi lễ ngày 24/2 này, bao gồm 4 xe bọc thép chở quân của Mỹ loại M1126 Stryker. Cùng với đó, Hà Lan cũng góp mặt trong sự kiện này bằng sự hiện diện của 4 xe chiến đấu bánh xích loại Stridsfordon 90.

Ngoài ra, nước chủ nhà Estonia, một thành viên của liên minh NATO, cũng “khoe” tiềm lực quân sự của mình trong dịp này khi trưng ra các loại vũ khí phòng không, chống tăng, lựu pháo, xe thiết giáp và một số vũ khí khí tài khác. Hơn 1.400 binh sĩ Estonia diễu hành qua các con phố ở thị trấn Narva trong ngày này.

Động thái này được diễn ra trong thời điểm NATO và Nga đang có những sự đối đầu nghiêm trọng. Liên minh quân sự lớn nhất thế giới này cho biết trong năm 2015, họ sẽ tổ chức những binh đoàn siêu cơ động để đối phó với những đe dọa về an ninh, quân sự từ phía Moscow.
 
Xe bọc thép của Mỹ có mặt trong cuộc duyệt binh

Xe bọc thép của Mỹ có mặt trong cuộc duyệt binh

Tuy nhiên, liên quan đến việc NATO có viện trợ vũ khí cho Kiev hoặc cử quân đội để tham chiến tại đây hay không, câu trả lời vẫn được khẳng định là không có việc này.

Đồng thời, trong ngày 25/2, nước Anh - một thành viên lớn của NATO và là đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine đến thời điểm này cũng tái khẳng định không có kế hoạch can thiệp quân sự dưới bất kỳ hình thức nào tới Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tuyên bố nước này sẽ không triển khai binh sỹ chiến đấu tới Ukraine, nơi lực lượng của chính quyền Kiev đang giao tranh với quân ly khai tại miền Đông.

Phát biểu trước quốc hội, ông Fallon khẳng định: "Chúng tôi sẽ không triển khai binh sỹ chiến đấu tới Ukraine và cũng không có ý định như vậy."

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã bác lại những gì Thủ tướng Anh David Cameron nói hôm 24/2 rằng London sẽ triển khai binh sỹ tới Ukraine trong tháng tới để giúp huấn luyện quân đội quốc gia Đông Âu này, đồng thời cảnh báo Nga sẽ tiếp tục gây bất ổn cho các nước khác nếu Moscow không bị ngăn chặn.

Trung Quốc bắt đầu đánh tiếng

Trước việc Mỹ và Anh cùng với một số nước phương Tây tiếp tục chỉ trích Nga trong vấn đề thực hiện thỏa thuận Minsk, và cân nhắc việc gia tăng trừng phạt Nga cũng như viện trợ quân sự cho Kiev, Trung Quốc - một thành viên của Hội đồng Bảo an và là cường quốc kinh tế, quân sự của thế giới đã có những lên tiếng đầu tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 25/2 đã kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời hối thúc các bên liên quan tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận hòa bình Minsk cũng như kế hoạch rút vũ khí hạng nặng ở Donbass (miền Đông Ukraine).

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Hồng Lỗi nhấn mạnh Trung Quốc luôn giữ lập trường rằng giải pháp chính trị là “lối thoát duy nhất” cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Cuộc hội đàm 4 Ngoại trưởng kết thúc mà không có bước đột phá nào

Cuộc hội đàm 4 Ngoại trưởng kết thúc mà không có bước đột phá nào

Trong khi đó, cuộc hội đàm các Ngoại trưởng bốn bên Nga, Pháp, Đức, Ukraine đã kết thúc chóng vánh trong ngày 24/2 mà không đạt được bất kỳ đột phá nào. Theo những thông tin mà báo chí phương Tây đăng tải, đã không có bất kỳ bên nào nhận trách nhiệm về mình trước tình trạng bạo lực vẫn diễn ra ở miền Đông Ukraine.

Ly khai vẫn chiếm thế chủ động trên chiến trường

Trong khi không có đột phá trên bàn ngoại giao thì thỏa thuận Minsk vẫn đang bị đe dọa thất bại khi chiến trường Ukraine chưa một ngày im tiếng súng.

Theo báo cáo của Phái bộ giám sát đặc biệt (SMM) thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết các đại diện của lực lượng vũ trang Nga, Ukraine, Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng đã nhất trí về bản đồ thực tế xác định giới tuyến tại Donbass (miền Đông Ukraine).

Tuy nhiên, SMM chưa thể khẳng định thỏa thuận Minsk được tuân thủ và các bên rút vũ khí hạng nặng theo giới tuyến đã được nhất trí nói trên. Phía Nga cho rằng LPR đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng và DPR cũng đang lên kế hoạch để gấp rút triển khai việc này.

Quân đội Ukraine tuyên bố không thể bắt đầu rút pháo và các hệ thống tên lửa đối đất của họ do vẫn diễn ra các vụ tấn công.

Một vấn đề đáng lo ngại với chính quyền Kiev, khi ly khai Donbass không ngừng mở rộng các hành động tấn công và diện tích kiểm soát thì ngày càng có nhiều thành phố lớn tỏ ra ủng hộ ly khai và nước Nga.

Tiêu biểu nhất, Hội đồng thành phố Kharkov, miền Đông Ukraine cho rằng không thể xem Nga là một kẻ xâm lược. Theo báo chí địa phương, trong phiên họp hội đồng thành phố ngày 25/2, Đảng Chủ nghĩa dân tộc Svoboda và Demalyans kêu gọi coi Nga là nước xâm lược. Tuy nhiên, đại đa số ủy viên hội đồng đã chọn bỏ qua vấn đề này.

Đồng thời, Thị trưởng Gennady Kernes cho rằng Kharkov là thành phố biên giới, có nhiều mối liên hệ với Nga, vì thế không thể xem Nga là kẻ thù bởi những vấn đề nhạy cảm chính trị. Ngoài ra, Kharkov cũng không nhìn nhận ly khai là lực lượng khủng bố theo cách mà Kiev kêu gọi.

Được biết, Kharkov cũng là một trong những thành phố mà ly khai Donbass muốn kiểm soát. Theo như lời của lãnh đạo Cộng hòa Donetsk tự xưng hồi tháng 12/2014 thì Mariupol và Kharkov là hai mục tiêu hàng đầu mà ly khai sẽ giải phóng với các chiến dịch quân sự tiếp theo.

Theo Đỗ Phong (tổng hợp)
Đất Việt