NATO đồng ý chỉ huy chiến dịch, Pháp “bắn rơi” máy bay Libya
(Dân trí) - NATO vừa tuyên bố đồng ý nắm quyền lãnh đạo một phần “sứ mạng quốc tế” tại Libya, sau nhiều tranh cãi nội bộ. Cùng lúc, Pháp tuyên bố đã bắn rơi một máy bay Libya, lần đầu tiên kể từ khi thiết lập vùng cấm bay ở nước này.
Mỹ nói hiện có hơn 350 máy bay tham gia chiến dịch ở Libya
NATO đã đồng ý tiếp quản vai trò chỉ huy trách nhiệm thực thi “vùng cấm bay” ở Libya từ Mỹ. Nhưng Tổng thư ký tổ chức này, ông Anders Fogh Rasmussen tuyên bố rằng những khía cạnh khác của chiến dịch tấn công Libya sẽ vẫn do liên minh hiện nay quyết định.
Ngay trước đó, ông Jay Carney, người phát ngôn Nhà Trắng nói với báo giới rằng chuyện bàn giao được tính theo ngày, không theo tuần. Mỹ sẽ có một vai trò khác trong giai đoạn kế tiếp, nhưng không phải đi đầu để thực thi vùng cấm bay.
Tuyên bố trên của NATO đạt được sau khi chiều qua, các lãnh đạo Liên minh châu Âu đã họp tại Brussels với một trong hai đề tài chính là chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya, một vấn đề đang gây căng thẳng trong nội bộ của khối.
Đại sứ những nước thành viên khối NATO, trong đó có nhiều nước Liên minh châu Âu, đã mặc cả với nhau để cố đạt đến đồng thuận về vai trò của Liên minh Bắc Đại Tây Dương trong chiến dịch quân sự ở Libya. Tranh cãi vẫn rất gay gắt xung quanh vai trò thực sự của khối NATO trong các chiến dịch.
Các kế hoạch quân sự của khối NATO ở Libya đã được 28 đồng minh thông qua và một trong ba chiến dịch dự trù đã bắt đầu được thực hiện. Từ hôm 23/3, lực lượng hải không quân của NTAO kiểm tra việc tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí. Chiến dịch thứ hai mang tính nhân đạo, nhưng hiện chưa được khởi động. Còn chiến dịch thứ ba, tham gia thiết lập vùng cấm bay, thì vẫn là cả một vấn đề.
Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại việc NATO có thể gánh trách nhiệm từ tay Mỹ. Các nước đồng minh dường như không thể dung hòa lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ (dứt khoát không muốn NATO ra tay khi nào mà liên quân vẫn còn oanh tạc Libya) với lập trường của Pháp (muốn NATO chỉ nắm vai trò chỉ huy về mặt tác chiến và kỹ thuật, còn chỉ đạo về mặt chính trị thì do một nhóm liên lạc đảm trách).
Ngoài ra, một cuộc họp quan trọng khác cũng diễn ra trong ngày hôm qua, đó là cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ để điểm lại tình hình. Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ lập lại những lời chỉ trích chiến dịch oanh tạc Libya. Nhưng Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã một lần nữa lên án việc sử dụng vũ lực chống phe chống chính phủ ở Libya. Ông kêu gọi các bên ở Libya ngừng bắn.
Máy bay Libya “bị Pháp bắn rơi”
Các máy bay phản lực của không quân Pháp đã đánh sâu vào lãnh thổ Libya hôm qua, vào một căn cứ không quân của Libya.
Theo tuyên bố của quân đội Pháp, căn cứ không quân Juffra nằm sâu đến 250 km cách bờ biển của Libya đã bị tấn công. Đây là một trong hai sân bay quan trọng, cửa ngõ để Libya thông thương với các quốc gia láng giềng của sa mạc Sahara.
Một máy bay chiến đấu của Pháp đã tấn công và bắn rơi một máy bay G-2/Galeb, là loại phi cơ huấn luyện của không quân Libya, gần thành phố Misrata.
Theo báo chí phương Tây, nhiều tên lửa liên quân trước đó đã bắn vào các căn cứ quân sự với mục đích “triệt hạ” khả năng không kích của Đại tá Gaddafi.
Các máy bay của liên quân đã tấn công Libya đêm qua - đêm thứ 5 liên tiếp, nhưng đến nay vẫn thất bại trong việc ngăn không cho xe tăng của quân ủng hộ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bắn phá những thị trấn hiện do lực lượng chống chính phủ nắm giữ.
Các trận đánh giữa hai bên vẫn diễn ra tại các thành phố Misrata và Ajdabiya, cửa ngõ vào thành phố Benghazi là thủ phủ của quân nổi dậy ở phía đông Libya. Người dân bỏ chạy ra khỏi Ajdabiya cho hay là “tình hình bên trong thành phố rất bi đát”.
Hôm qua, hơn 10 tên lửa Tomahawk từ các tàu chiến của Anh và Mỹ bắn đi trên Địa Trung Hải vào các giàn tên lửa phòng không ở Tripoli và phía nam thành phố này. Giới chức Anh trong khi đó nói rằng không lực Libya không còn tồn tại như một lực lượng tác chiến.
Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố “cách nhanh nhất” để nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi của Libya chấm dứt cuộc khủng hoảng “là từ bỏ quyền lực”. Bà Clinton đã mở các cuộc hội đàm với người tương nhiệm Maroc, và xác nhận có “tiến bộ đáng kể” trong việc thực thi khu cấm bay ở Libya.