1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

"Nàng công chúa chính trị" của tờ Time

Vụ bê bối Watergate đầu những năm 70 đã làm rúng động nước Mỹ khiến Tổng thống Richard Nixon phải tuyên bố từ chức ngày 9/8/1974. Ai cũng biết 2 phóng viên nam của tờ The Washington Post là Bob Woodward và Carl Bernstein có công lớn phanh phui vụ này. Tuy nhiên, góp phần không nhỏ vào vụ án còn có 2 người phụ nữ.

Người thứ nhất là bà Martha Mitchell, phu nhân của chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Mitchell. Ngày 17/6/1972, 5 kẻ lạ mặt đã bị bắt quả tang khi đặt máy nghe trộm và chụp lén tài liệu trong văn phòng Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ đặt tại khách sạn Watergate ở Washington. Đảng Cộng hòa, FBI, CIA, Bộ Tư pháp, Tòa án Tối cao, Nhà Trắng đều dính vào vụ bê bối được coi là “bẩn thỉu” nhất trong lịch sử nước Mỹ này.

 

Bà Martha Mitchell biết được toàn bộ câu chuyện của chồng và muốn nói toạc ra cho mọi người biết. Nhưng ngay lập tức, bà bị chồng và mật vụ bịt miệng bằng những thủ đoạn như “giam lỏng” trong nhà và hô hoán bà mắc bệnh “tâm thần”. Tuy nhiên, bà vẫn tỏ ra là người có bản lĩnh và kiên cường.

 

Đang đêm, bà gọi điện cho nữ phóng viên chuyên săn tin Nhà Trắng Helen Thomas: “Tôi đã đưa ra tối hậu thư cho John. Tôi sẽ ly dị nếu ông ấy không thoái lui trong vụ này. Tôi đã chán ngấy chính trị vì nó chỉ là một thương vụ bẩn thỉu”. Nhưng ngay sau cú điện thoại đó, 5 tên mật vụ túm tóc, ném bà xuống giường, lột áo, tiêm thuốc an thần vào lưng để buộc bà ngậm miệng.

 

Điện thoại của bà đã bị nghe trộm khi bà gọi điện kêu cứu tới hãng tin UPI. Bà thực sự đau buồn khi chính người chồng gắn bó với bà nhiều năm lại nỡ “ra đòn” với người vợ mà ông ta thường rêu rao là “người yêu bé nhỏ của tôi”.

 

Từ một người phụ nữ làm việc cần mẫn có trách nhiệm cho một công ty hóa chất của quân đội Mỹ, bà bị vu cáo là một người mẹ vô trách nhiệm và ích kỷ thản nhiên ngồi nhìn cậu con trai bị những cơn đau răng hành hạ. Chồng bà còn cho báo chí biết việc làm của bà là “những trò tiêu khiển của phu nhân các chính khách ăn không ngồi rồi” và phủ nhận chuyện bà bị quản thúc tại California.

 

Những tiết lộ của bà đã gây sóng gió trên chính trường nước Mỹ. Tuần báo Time tôn vinh bà là “nàng công chúa chính trị” Ngay sau khi những tiết lộ của bà được báo chí thế giới đăng tải, John Mitchell từ chức. Vài ngày sau khi John Mitchell bị bắt, bà Martha phàn nàn rằng “chẳng ai đoái hoài đến tôi cả”.

 

Người thứ hai là nữ phóng viên Helen Thomas, người đã tường thuật một cách chân thực những tiết lộ của Martha Mitchell về vụ bê bối Watergate. Trong cuốn sách Front Row at the White House- My Life and Times, Helen cho biết bà là người duy nhất được bà Martha tin cậy vì bà hiểu bà Martha nhất và bà không “chơi trò mèo” như các phóng viên khác.

 

Bà Helen viết: “Tôi tin rằng Martha không chỉ là một điểm nhấn trong câu chuyện bê bối Watergate. Bà đáng được nhớ đến như một người phụ nữ can đảm dám nói ra sự thật phũ phàng trong vụ bê bối Watergate”.

 

Bích Diệp

Theo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm