Năm nhân tố thách thức quốc phòng Mỹ
Trung Quốc xác nhận đưa tàu đến bãi Hải Sâm để cứu hộ tàu mắc cạn.
Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Commonwealth (*) ở San Francisco (bang California) ngày 1-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã chỉ ra 5 nhân tố có thể chi phối ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2017.
Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu 5 nhân tố đó như sau:
• Năm thách thức đang nổi: Đó là Trung Quốc, Nga, CHDCND Triều Tiên, Iran và khủng bố. Để giữ ưu thế, Lầu Năm Góc dự kiến chi 71,8 tỉ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển trong năm 2017, gồm an ninh mạng, tăng cường năng lực dưới biển, phát triển tên lửa siêu âm, trí thông minh nhân tạo và chiến lược tiếp cận mới.
• Xây dựng quan hệ đối tác mạnh với giới công nghệ: Ông Ashton Carter nhấn mạnh cần có cầu nối vững chắc giữa Lầu Năm Góc với giới công nghệ Mỹ, nhất là khu vực xung quanh vịnh San Francisco.
• Không gian mạng: Ông Ashton Carter xác định ba nhiệm vụ: Tiếp tục bảo đảm tự do chu chuyển thông tin, dịch vụ và sản phẩm; bảo vệ Mỹ khỏi tấn công mạng từ bên ngoài; bảo đảm phản công trên mạng nếu có xung đột.
• Bảo mật hệ thống: Một phần ngân sách quốc phòng sẽ được dùng cho công tác đào tạo và bồi dưỡng lực lượng tác chiến mạng.
• Xây lại cầu nối với giới công nghệ: Ông Ashton Carter hy vọng những cá nhân tài giỏi trước đây làm việc trong giới công nghệ và giờ làm cho Lầu Năm Góc sẽ là cầu nối cho quan hệ đôi bên.
Hãng tin Fox News (Mỹ) đưa tin trong bài phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã cảnh báo: “Trung Quốc không được theo đuổi mục tiêu quân sự hóa biển Đông. Mọi hành động cụ thể sẽ phải trả giá bằng những hậu quả cụ thể”.
Ông nhấn mạnh nếu Trung Quốc không chú ý đến cảnh báo của Mỹ, Washington sẵn sàng tăng cường triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương và dành thêm 425 triệu USD để tập trận với các nước trong khu vực.
Phản ứng lại phát biểu này, ngày 2-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ đừng làm quá tình hình tranh chấp ở biển Đông.
Cùng ngày tại Philippines, ông Eugenio Bito-onon Jr, Thị trưởng TP Kalayaan, khẳng định Trung Quốc đã triển khai bảy tàu đến bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (bị Philippines chiếm giữ).
Người phát ngôn quân đội Philippines thừa nhận: “Chúng tôi đang tiến hành xác minh xem sự hiện diện lần này có lâu dài không”.
Reuters dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên từ Palawan (Philippines) khẳng định máy bay tuần tra Philippines đã phát hiện 4-5 tàu Trung Quốc tại bãi Hải Sâm từ tuần trước.
Khu vực này khá gần đá Vành Khăn là nơi Bắc Kinh bồi đắp xây đảo nhân tạo trái phép. Nguồn tin xác nhận: “Chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ xây dựng công trình hay biến bãi Hải Sâm thành đảo nhân tạo”.
Hãng tin GMA (Philippines) đưa tin ngày 2-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác nhận các tàu của Bộ Giao thông Trung Quốc đã được triển khai đến bãi Hải Sâm để cứu hộ một tàu bị mắc cạn và đã rời đi ngay sau đó. Người phát ngôn ngang ngược yêu cầu các tàu cá gần đó rời khỏi khu vực để bảo đảm thuận tiện cho công tác cứu hộ và cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền với bãi Hải Sâm vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
_____________________________________
8 tỉ USD trong năm 2017 sẽ được dùng để mở rộng quy mô hạm đội tàu ngầm và các thiết bị không người lái dưới nước theo Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.
Chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn về sứ mệnh bảo vệ nước Mỹ. Không chỉ vì các cuộc chiến mà chúng ta đang phải đối mặt, chúng ta còn phải sẵn sàng cho những thứ có thể xảy ra sau 10, 20 hay 30 năm nữa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ASHTON CARTER
(*) Commonwealth Club là diễn đàn công vụ phi lợi nhuận lâu đời nhất ở Mỹ, được thành lập năm 1903 với hơn 20.000 thành viên.
Theo BẢO DUY
Pháp luật TPHCM