1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Năm dồn dập "giông bão" của quan hệ Mỹ - Trung

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, nhất là năm 2020, quan hệ Mỹ-Trung đã bị đẩy xuống mức thấp chưa từng có.

Năm dồn dập giông bão của quan hệ Mỹ - Trung - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Quan hệ Mỹ - Trung đã chuyển sang giai đoạn mới: Cạnh tranh chiến lược toàn diện, đối đầu, thậm chí xuất hiện nguy cơ "Chiến tranh Lạnh mới". Năm 2020, chuỗi hành động của cả hai chính quyền đã đưa quan hệ Mỹ - Trung rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Điều chỉnh cách tiếp cận

Mỹ và Trung Quốc mặc dù có lợi ích đan xen chặt chẽ, tùy thuộc lẫn nhau ở mức độ rất cao, nhưng căng thẳng quan hệ ngày càng leo thang. Điều đó phản ánh bản chất quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ cạnh tranh định đoạt ngôi vị; cạnh tranh lợi ích một cách toàn diện, quyết liệt về kinh tế, an ninh, quân sự.

Năm 2020, Tổng thống Trump đã ký ban hành "Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" (20/5). Theo đó, Mỹ cạnh tranh công khai, quyết liệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm ngăn chặn Trung Quốc và bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ. Đặc biệt hơn, lưỡng đảng ở Mỹ đều có sự đồng thuận trong việc áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh áp dụng rộng rãi mô hình "ngoại giao chiến lang", để thúc đẩy "sức mạnh của ngôn từ", để thế giới phải lắng nghe, làm nổi bật sức mạnh của quốc gia và đáp trả một cách cứng rắn hơn với chính sách của Washington.

Xu hướng "chia tách", "hố sâu" căng thẳng

Đầu năm, Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đây được coi là bước tiến tích cực cho quan hệ hai nước kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra. Nhưng kết cục hai nước lại "mắc kẹt" trong cuộc chiến và ngày càng sa vào "Chiến tranh Lạnh mới". Tổng thống Trump cho rằng, Mỹ "chắc chắn duy trì một lựa chọn chính sách" về việc "tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc".

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc, nhưng đã khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất. Mỹ nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh che đậy, không cung cấp đầy đủ thông tin; gán tên gọi loại vi rút này "vi rút Trung Quốc"; đe dọa trừng phạt và buộc bồi thường thiệt hại. Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington "lan truyền vi rút chính trị" nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách xử lý đại dịch yếu kém.

Một trong các lĩnh vực gây căng thẳng Mỹ-Trung là cuộc chiến công nghệ. Cho đến nay, Mỹ đã đưa hơn 150 chi nhánh của tập đoàn viễn thông Huawei vào "danh sách đen", trừng phạt những công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc. Mỹ còn cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu TikTok và WeChat, mặc dù bị Trung Quốc bác bỏ và tố cáo Mỹ vi phạm luật.

Cùng với đó là hàng loạt động thái của hai chính quyền, khiến căng thẳng giữa hai nước gia tăng, như Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở thành phố Houston, bang Texas, vì hoạt động gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ; tố lãnh sự quán Trung Quốc ở New York là "trung tâm gián điệp". Phía Bắc Kinh cũng yêu cầu đóng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc "vi phạm" và "tìm cách phá hoại" lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên, với việc Trung Quốc tiếp nhận lao động, chở hàng hóa trong danh mục cấm; cho phép đại diện có liên quan tới các chương trình vũ khí hạt nhân và ngân hàng Triều Tiên có mặt ở Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh luôn bác bỏ.

Những động thái "ăn miếng trả miếng" xung quanh vấn đề Hong Kong cũng được đánh giá là một trong các yếu tố "đổ dầu vào lửa" quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc áp dụng luật an ninh mới với Hong Kong, Mỹ phê chuẩn Đạo luật Tự trị Hong Kong. Bắc Kinh áp hạn chế với nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ ở cả đại lục và Hong Kong, trừng phạt với quan chức, nhân viên Mỹ, còn Washington thì đóng băng mọi tài sản ở Mỹ và hạn chế đi lại với một số quan chức Trung Quốc.

Cũng trong năm 2020, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hạn chế hàng nhập khẩu từ Tân Cương, Trung Quốc, do nghi ngờ về tình trạng "lao động cưỡng bức" tại đây. Trong khi đó, Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận những nghi ngờ của Mỹ và công bố sách trắng về Tân Cương, ca ngợi thành công của các chương trình dạy nghề và việc làm trong khu vực.

Đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh còn thể hiện rõ trong vấn đề Biển Đông, tuyên bố của Mỹ bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực. Trung Quốc "ngầm đáp trả" tuyên bố của Mỹ, gửi đi thông điệp rằng quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực "không mong manh" như Mỹ nhận định.

Căng thẳng Mỹ-Trung còn xoay quanh vấn đề Đài Loan khi Washington bán vũ khí cho hòn đảo ngày càng nhiều với các hợp đồng mới được phê duyệt; cử Bộ trưởng Y tế và Thứ trưởng ngoại giao tới thăm hòn đảo-động thái khiến Trung Quốc rầm rộ tiến hành các cuộc diễn tập gần eo biển Đài Loan. Trung Quốc còn tuyên bố sẽ trừng phạt các công ty Mỹ gồm Lockheed Martin, Boeing Defense, Space & Security (BDS) và Raytheon vì đã tham gia trong thương vụ bán các tên lửa cho Đài Loan.

"Bộ tứ kim cương" do Mỹ đứng đầu, cùng Australia, Nhật Bản và Ấn Độ (nhóm QUAD) cũng được Mỹ thúc đẩy với mục tiêu ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị khu vực trên bình diện quân sự, trong khi Trung Quốc cho rằng ý tưởng về một liên minh chống Trung Quốc là "điều viển vông".

Ngay cả sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền Trump vẫn không ngừng "giáng đòn" lên Trung Quốc, như bổ sung thêm các công ty của nước này vào "danh sách đen", siết thị thực với các đảng viên Trung Quốc... Gần đây nhất, Mỹ dừng 5 chương trình giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Theo giới phân tích, tất cả động thái dồn dập của chính quyền Trump là nỗ lực cuối cùng trong việc chia rẽ quan hệ hai nước, nhằm khiến Tổng thống đắc cử Biden không còn nhiều lựa chọn và buộc phải tiếp nối chiến lược cứng rắn với Bắc Kinh sau khi tiếp quản quyền lực.

Vẫn khó lường

Gần đây, Trung Quốc có cách tiếp cận thận trọng với chính quyền mới của Mỹ, nhằm hạn chế những cú sốc có thể gây rạn nứt thêm quan hệ song phương. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Biden sẽ theo đuổi mục tiêu của ông là khiến Bắc Kinh "hiểu rõ rằng có những quy tắc quốc tế họ phải tuân theo".

Mặc dù vậy, một số chiến lược gia Bắc Kinh đánh giá quan hệ Mỹ-Trung vẫn có cơ hội xoay chuyển để ngăn chặn một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" dưới thời Biden, một lãnh đạo được cho là sẽ thực hiện những chính sách ổn định hơn dù vẫn coi Trung Quốc là đối thủ.

Trung Quốc có thể thúc đẩy nhiều chính sách cải cách kinh tế và hợp tác với chính quyền Biden về biến đổi khí hậu, nhưng sẽ không nhượng bộ những vấn đề như Tân Cương, Tây Tạng hoặc Hong Kong. Sự bất trắc khó lường vẫn mang tính chất chủ đạo trong quan hệ Mỹ-Trung.

Như vậy, sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, nhất là năm 2020 quan hệ Mỹ-Trung đã bị đẩy xuống mức thấp nhất - trước ngưỡng cửa của một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới". Tuy nhiên, với chính quyền của Tổng thống đắc cử Biden quan hệ hai nước vẫn tiếp tục căng thẳng nhưng nguy cơ về một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" có thể được đẩy lùi.