1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nước Mỹ 2016:

Năm của thay đổi

Nói về nước Mỹ năm 2016, nhiều nhà phân tích đã thốt lên: Con thuyền nước Mỹ đã rẽ sang hướng khác.

Cú về đích ngoạn mục của tỷ phú D.Trump trong cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính hồi tháng 11 không chỉ chứng minh cho câu chuyện “bất ngờ phút chót” tại nước Mỹ mà nó còn cho thấy những mạch ngầm đổi thay từ bên trong xứ Cờ hoa đã bắt đầu. Chiến thắng của ông D.Trump kèm theo mọi dấu hiệu cho thấy con thuyền nước Mỹ đã đổi dòng, rẽ sang hướng khác.

Nhiều người đã nói, dường như năm 2016 chỉ gọi tên đương kim Tổng thống Mỹ B.Obama. Quả đúng như vậy. Cho dù đây là năm cuối cùng trong 8 năm cầm quyền liên tiếp của vị Tổng thống Mỹ da màu đầu tiên này, nhưng những việc làm thiết thực của ông, đặc biệt trên lĩnh vực đối ngoại đã khiến 2016 trở thành một năm không thể nào quên đối với người Mỹ.

Hình ảnh chiếc Không lực Một chở Tổng thống Obama bay qua khu ngoại ô La Habana tháng 3-2016 có thể coi là dấu mốc lịch sử đối với cả Mỹ cũng như thế giới Caribé - Mỹ La-tinh trong suốt nhiều thập kỷ qua. Sau gần 90 năm, ông Obama đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới Cuba, đất nước mà 11 đời Tổng thống ở Washington luôn theo đuổi chính sách thù hận và cấm vận. Đó cũng là tàn dư cuối của đối đầu Đông-Tây từng chi phối thế giới gần nửa thế kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không chỉ có thế, vẫn trên lĩnh vực đối ngoại, chính quyền Tổng thống Obama tiếp tục thúc đẩy chính sách “tái cân bằng” sang châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2016 với trọng tâm là củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống, đồng thời tích cực tìm kiếm các đồng minh và đối tác mới tại Đông Nam Á nhằm mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.

Ở Trung Đông, cuộc chiến Syria còn quyết liệt, nhưng ông Obama đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, tháo được ngòi nổ cuộc chiến hạt nhân vốn luôn chực chờ. Ở châu Á, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được đại diện các nước ký hồi đầu tháng 2 và chỉ chờ ông Obama vận động quốc hội phê chuẩn.

Chỉ tính riêng hai thỏa thuận với Cuba và Iran, ông Obama có thể trở thành tổng thống có ảnh hưởng nhất về đối ngoại của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu TPP được thông qua, ông có thể là người có dấu ấn nhất đối với toàn cầu hóa kể từ sau NAFTA và thỏa thuận thành lập WTO năm 1994. Về kinh tế, ở nước Mỹ, chỉ số thất nghiệp xuống mức thấp nhất, chương trình Obamacare đã mang bảo hiểm y tế tới cho hơn 20 triệu người không có bảo hiểm trước đó…

Với di sản như thế, người ta đã nghĩ đến viễn cảnh một tổng thống đảng Dân chủ sẽ tiếp tục nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa.

Nhưng rồi cử tri Mỹ đã có quyết định gây bất ngờ cho toàn thế giới trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 58 ngày 8-11-2016. Thay vì lựa chọn một nhà chính trị dạn dày kinh nghiệm và tài ba như bà H.Clinton, người dân Mỹ đã chọn ông D.Trump, một nhà kinh doanh nổi tiếng. Không ai hiểu nội tình nước Mỹ bằng chính các công dân Mỹ. Không ai hiểu nước Mỹ và người Mỹ đang cần gì bằng chính người Mỹ. Nhiều người Mỹ chia sẻ, họ muốn có một sự thay đổi hoàn toàn.

Nhưng tại sao người Mỹ lại cần thay đổi đến vậy?

Thực tế, một người "ngoại đạo" như doanh nhân-chính khách D.Trump, với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", đắc cử tổng thống cho thấy ông đã đánh trúng tâm lý cử tri Mỹ đang khao khát một sự thay đổi để tìm lại vị thế siêu cường cho nước Mỹ.

Nhìn lại quá khứ, sau khi Liên Xô sụp đổ, Washington đã nhanh chóng tạo ra thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ và qua đó tạo ra nhiều ván cờ chính trị mới, sắp đặt nhiều bàn cờ chính trị mới trên thế giới. Vai trò của nước Mỹ với phần còn lại của thế giới ngày càng được khẳng định với vị thế thống soái của Washington trên trường quốc tế. Cùng với đó là hình ảnh và dấu ấn của nước Mỹ trong các định chế, tổ chức quốc tế. Luật Mỹ trong nhiều trường hợp đã được quốc tế hóa, trở thành nguyên tắc ứng xử, quy tắc hành xử đối với nhiều vấn đề nảy sinh trên thế giới.

Những hào quang đó, đối với nhiều người Mỹ, giờ chỉ tồn tại trong sự hoài niệm quá khứ. Những món “đầu tư” cho lợi ích chính trị mơ hồ, những khoản bảo trợ khổng lồ cho đồng minh, đối tác, hay những cuộc viễn chinh xa xôi theo chính sách của các đời tổng thống cùng tác động của sự suy giảm kinh tế toàn cầu đã khiến cho nội lực nước Mỹ bị tổn thương, ảnh hưởng đến vị thế, vai trò của siêu cường trên trường quốc tế.

Còn nhớ, 8 năm trước, Tổng thống Obama, với khẩu hiệu “Thay đổi” đã khiến cử tri Mỹ bùng cháy hy vọng. Nhưng 8 năm trôi qua, trong khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và Nga hồi sinh rực rỡ, thì nước Mỹ lại chủ động lùi về tuyến hai trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế nhằm tập trung bảo tồn nội lực chưa hồi phục hoàn toàn.

Hiện tại Mỹ vẫn có vị thế của cường quốc số một trên thế giới, song vai trò của nước Mỹ với phần còn lại của thế giới đã có nhiều đổi thay. Việc Bắc Kinh lần lượt thay thế Washington trong nhiều định chế quốc tế hay việc Mátxcơva đưa nhiều cuộc xung đột Nga-phương Tây thành những ván cờ tàn đã chứng minh sự lệch pha giữa vị thế của nước Mỹ với vai trò của Oa-sinh-tơn trên trường quốc tế. Và chưa bao giờ, nhiều đến thế vào lúc này, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về vai trò và vị thế của nước Mỹ với phần còn lại của thế giới.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, người Mỹ chọn ông Trump vì ông đang xây dựng lại hình ảnh của nước Mỹ với nền tảng là lợi ích cho người Mỹ và định danh lại để vị thế nước Mỹ phù hợp với vai trò thực tế trong thế giới đã có quá nhiều sự đổi thay.

Tập trung cứu chữa những “tật bệnh nội địa”, vực dậy nền kinh tế đất nước và ưu tiên hàng đầu là tập trung chăm lo cho công dân nước mình, ông Trump đã chạm tới tận tâm trí của nhiều người Mỹ, khía vào những tâm tư nguyện vọng và cả nỗi ấm ức của họ, đặc biệt là với những công dân Mỹ lâu nay không hài lòng với những gì mà chính quyền Tổng thống Obama làm trong hai nhiệm kỳ qua. Với nhãn quan của nhà quản trị chuyên nghiệp, ông Trump sẽ không chấp nhận đổi lợi ích thực tế lấy lợi ích mơ hồ và đó cũng chính là mong muốn của người Mỹ khi trao quyền lực cho ông.

Nước Mỹ năm 2016 có quá nhiều thứ để nhắc người ta nhớ. Những vụ xả súng như "cơm bữa" cho thấy nỗi ám ảnh súng đạn vẫn chưa bao giờ rời bỏ xứ Cờ hoa. Những cuộc biểu tình phản đối giới cảnh sát da trắng nã súng vào người da màu cho thấy một nước Mỹ vẫn còn quá nhiều vấn đề về sắc tộc. Hay những cuộc so găng thường niên giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cho thấy một chính trường Mỹ vẫn đầy chia rẽ. Những thống kê đáng buồn ấy đã nhuộm trầm năm bầu cử đáng trông đợi và cũng đồng thời đặt ra một thách thức to lớn cho chính quyền của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Không đầy 3 tuần nữa, quyền lực ở nước Mỹ sẽ được chuyển giao từ tổng thống cũ là ông Obama sang cho tổng thống đắc cử là ông Trump. Nước Mỹ sẽ không chỉ có sự đổi tên tổng thống mà còn có sự đổi đảng cầm quyền, đổi phong cách cầm quyền và đặc biệt là đổi quan điểm chính sách. Con thuyền nước Mỹ đã thực sự đổi dòng.

Nhưng trên hết, dù thay đổi thì nước Mỹ vẫn cần phải tiến lên phía trước. Nền kinh tế Mỹ phải lấy lại sức sống với tốc độ nhanh nhất để hầu bao mỗi người không vơi đi. Đó đang là mối quan tâm lớn nhất của người dân Mỹ hiện nay. Và tương lai nằm trong tay của Tổng thống đắc cử Trump.

Theo Hà Ngọc

Quân đội nhân dân