Na Uy ngày cờ rủ, nến và hoa

(Dân trí) - Không thể tin nổi rằng Na Uy – đất nước được mệnh danh là thiên đường thanh bình ở Bắc Âu - lại có ngày buồn đau đến thế! Phút mặc niệm, nước mắt, cờ rủ - nến - hoa, những vẻ mặt thất thần, những trái tim tan vỡ, những vòng tay ôm siết…

Na Uy ngày cờ rủ, nến và hoa - 1
Cờ - nến và hoa  ngày tưởng niệm (ảnh: AP)
 

Thứ Sáu đen tối

 

Những hành động khủng bố, tàn sát hàng loạt như vậy, nếu diễn ra tại các điểm nóng xung đột trên thế giới, chắc đã không gây nên cơn sốc đến thế trong dư luận người dân thế giới nói chung và VN nói riêng.

 

Đằng này, điều không ai nghĩ tới chứ nói gì là có thể hình dung được rằng tại khu vực Bắc Âu vốn nổi tiếng là bình yên và xã hội rất cởi mở đó, lại có thể xảy ra vụ khủng bố kép đẫm máu cướp đi sinh mạng của ít nhất 93 con người. Chính vì vậy, đã có những người lên tiếng gọi hành động bạo lực chưa từng có trong lịch sử Na Uy kể từ thời Thế chiến II đến nay là “vụ 11/9 của Na Uy”.

 

Quá kinh khủng! Tôi không thể nghĩ về điều vừa xảy ra tại quốc gia yên bình nhất này. Đây phải chăng là dấu hiệu về một thế giới bất ổn? Xin hãy sẻ chia với Na Uy và cùng nguyện cầu cho người dân toàn thế giới…”  -  Nguyễn Ngọc Sơn:  ngsonb4@gmail.com viết thay cho tấm lòng bao người dân VN đang hướng về Oslo, về đất nước bạn Na Uy trong ngày đau thương nhất sau thảm họa bất ngờ.  

 

Xin chia buồn với người dân Na Uy. Lâu nay trong suy nghĩ của tôi cũng như của rất nhiều người, đất nước Bắc Âu này luôn là điểm đến an toàn và lý tưởng. Nhưng đúng là không nói trước được điều gì... Thật kinh hoàng...” - Nguyễn Mai Ly:  mailydl5@gmail.com bày tỏ.

 

Thế giới càng phát triển bao nhiêu thì xem ra lại có những con người ngày càng điên cuồng vì sự phát triển đó. Tính mạng con người vì thế vẫn mong manh. Mong Liên Hợp Quốc hãy vào cuộc để giúp giải quyết nhanh tình hình này ở Na Uy cũng như tệ nạn khủng bố tại các nước khác. Tránh cho người dân vô tội khỏi cảnh phải gánh chịu đau thương và thảm họa do những kẻ cực đoan gây ra” - Tuyet:  bachtuyet@yahoo.com.vn gửi lời nhắn nhủ.
 
Na Uy ngày cờ rủ, nến và hoa - 2
Cảnh sát Pháp làm việc bên ngoài nhà riêng ông Jens Breivik, cha của Anders Behring Breivik, tại Cournanel, miền Nam Pháp ngày 25.7 (ảnh: AP)

 

Không có ngoại lệ

 

Ngay khi hình ảnh của “nghi phạm vụ Oslo” hoặc “kẻ hủy diệt” (theo cách gọi của báo chí nước ngoài)  được đăng tải trên mạng, nhiều bạn đọc VN tỏ ra bất ngờ bởi không tin nổi Anders Behring Breivik, 32 tuổi, với vẻ ngoài có thể nói là khá điển trai, sáng sủa, một điển hình kiểu đàn ông Bắc Âu lại có thể là sát thủ máu lạnh, giết người không ghê tay.

 

Vâng, vấn đề ở đây là “Breivik được cho là có tư tưởng hữu khuynh, liên quan tới các tổ chức chống Hồi giáo”.  Hắn đã lên kế hoạch gây án trong nhiều năm và còn tải lên mạng một tài liệu dài 1.500 trang viết bằng tiếng Anh miêu tả chi tiết quá trình chuẩn bị các vụ tấn công. Đồng thời, theo lời luật sư Geir Lippestad của Breivik nói hôm 24/7, thì tuy hắn “nghĩ rằng việc phạm tội là là độc ác, nhưng trong đầu anh ta, những hành động đó là cần thiết. Anh ta muốn tấn công xã hội và cấu trúc xã hội".

 

Tư tưởng cực đoan cùng những hành động bạo lực thể hiện ý muốn gieo rắc hận thù, đối nghịch, xung đột… của những kẻ như Breivik đã gây ra bao tai họa với thế giới, khiến máu bao người dân vô tội vẫn đổ cả trong thời bình. Tiền bạc, của cải công sức lao động của biết bao người dân đóng góp cho tiến trình xây dựng và phát triển quốc gia, phát triển thế giới… cũng tan thành tro bụi.

 

Qua vụ này, một lần nữa chúng ta có thể thấy không nơi nào trên thế gian còn được coi là ngoại lệ với chủ nghĩa cực đoan, với các mạng lưới khủng bố. Kể cả những quốc gia có chính sách ôn hòa truyền thống, luôn cố gắng tránh xa các xung đột quốc tế để không có nhiều kẻ thù như Na Uy.  Dù vào năm 1993, người phụ trách xuất bản tập sách gây tranh cãi Những vần thơ quỷ Satăng (The Satanic Verses) của Salman Rushdie là ông William Nygaard, đã bị bắn trọng thương bên ngoài nhà riêng cũng ở thành phố Oslo. Hoặc như Thụy Điển – quốc gia yên bình cũng đã chấn động bởi vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme năm 1986…

 

Có lẽ chính vì Na Uy đã được hưởng sự bình yên kéo dài, nên sự việc xảy ra cùng mức án mà quốc gia này có thể tuyên với sát thủ máu lạnh, theo phân tích của nhiều độc giả VN trong đó có nickname Kiss:  boy_xinh_zai_ok@yahoo.com.vn là:

 

Vì Na Uy luôn được coi là 1 nước yên bình nhất thế giới, nên có lẽ họ không nghĩ đến chuyện có 1 ngày 1 công dân chính gốc nước mình lại gây ra vụ việc kinh hoàng như thế. Chắc sẽ không có chuyện 21 năm tù đâu, phải có ngoại lệ chứ, vụ này chấn động cả thế giới chứ đâu riêng Na Uy. Nhưng cùng lắm chắc chỉ xử hắn tù chung thân không được giảm án, chứ chắc họ không tử hình đâu”. 

 

Dù theo luật Na Uy, Breivik chỉ phải đối mặt với mức án cao nhất là 21 năm tù giam nếu bị kết tội, nhưng đa số người dân VN đều muốn hắn phải lãnh mức án đáng với tội ác kinh khủng đã gây ra, trên cơ sở xem xét tình tiết “bị xem là một mối đe doạ với công chúng”.

 

Mục đích của pháp luật là để bảo vệ con người, nên châu Âu đã bỏ hình phạt tử hình. Tuy nhiên theo tôi, với những tên tội phạm quá nguy hiểm thế này thì cần cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội, tức là tù chung thân và không được ân xá” - nickname Hadq:  luatsuquangha@gmail.com nêu rõ.

 

Thời gian đang nhích dần tới dịp tưởng niệm 10 năm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Hơn lúc nào hết, cộng đồng thế giới càng không thể lơ là cảnh giác trước nguy cơ khủng bố có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã lưu ý rằng, vụ tấn công kép tại Oslo một lần nữa nhắc nhở trách nhiệm của cả cộng đồng thế giới với cuộc chiến chống khủng bố.
 
Những chiếc vòi bạch tuộc khủng bố rõ ràng đang muốn vươn ra xa hơn, rộng hơn, nếu không sớm bị chặn lại, bị chặt đứt...
 

Khánh Tùng