1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xây dựng đảo ở Trường Sa

(Dân trí) - Một quan chức quân đội Mỹ ngày 21/11 nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một đảo lớn trên Biển Đông để có thể thiết lập một sân bay trong khu vực, nơi Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng.

Ảnh vệ tinh cho thấy các hành động cải tạo, xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại bãi đá Chữ Thập.
Ảnh vệ tinh cho thấy các hành động cải tạo, xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại bãi đá Chữ Thập.
 
Theo Trung tá Jeffrey Pool, một phát ngôn viên của quân đội Mỹ, dự án cải tạo đất quy mô lớn tại bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là một trong vài dự án mà Trung Quốc đang thực hiện, nhưng là đảo đầu tiên có thể đủ chỗ để xây dựng một đường băng.

“Dường như đó là điều mà họ đang hướng đến”, ông Pool nói.

Một cảng đủ lớn cho các tàu chở dầu và tàu chiến hải quân cũng đã được xây dựng ở phía đông của bãi Chữ Thập.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt dự án và các kêu gọi chính phủ các nước khác ngừng các nỗ lực tương tự.

“Chúng tôi hối thúc Trung Quốc chấm dứt chương trình cải tạo đất và tham gia vào các sáng kiến ngoại giao để khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm trong các hành động như vậy”, ông Pool nói.

Trong 3 tháng qua, Trung Quốc đã sử dụng các tàu nạo vét để xây dựng một hòn đảo dài 3.000 m, rộng 200-300 m, trên đảo Chữ Thập, vốn trước đó là một bãi đá ngầm, theo một bài viết của tạp chí quốc phòng IHS Jane's.
 
Các cơ sở trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
Các cơ sở trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Các kết quả của hoạt động nạo vét đã được nhìn thấy trong các bức ảnh vệ tinh do IHS Jane's cung cấp trong khoảng thời gian từ 8/8 đến 14/11.

“Việc cải tạo đất tại bãi Chữ Thập là dự án thứ 4 như vậy mà Trung Quốc thực hiện tại quần đảo Trường Sa trong 12-18 tháng qua và là dự án lớn nhất về quy mô cho tới nay”, IHS Jane's cho hay.

Trước công tác nạo vét mới nhất, hải quân Trung Quốc đã sử dụng một bệ bê tông và đảo nhân tạo chưa được xây dựng.

Trước đó, Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo trên bãi Gạc Ma, Châu Viên và bãi Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và đảo Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền.

IHS Jane cho rằng động thái của Trung Quốc dường là nhằm buộc các quốc gia khác từ bỏ tuyên bố chủ quyền, hoặc là giúp Bắc Kinh có vị thế đàm phán mạnh mẽ nếu các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ diễn ra.

Mỹ đã hối thúc Trung Quốc và các bên liên quan giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình và không được ép buộc, trong khi kêu gọi Bắc Kinh ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử đa phương để giảm các cuộc đối đầu trên biển. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán song phương với các quốc qua láng giềng nhỏ hơn, bị phụ thuộc nhiều về thương mại với Trung Quốc.

Trung Quốc đã liên tục có các hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông thời gian gần đây.

Bắc Kinh đã mở các tuyến tuần tra hải quân tại các vùng biển tranh chấp với Philippines và hồi tháng 5 đã trái phép đưa một giàn khoan dầu vào sâu trong lãnh hải Việt Nam.

An Bình
Theo AFP

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm