1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ xuống đòn hiểm buộc Nga rút khỏi căn cứ Iran

Giới chức quân sự Iran ngày 22/8 cho biết, Nga đã ngừng sử dụng căn cứ không quân của nước này trong cuộc chiến chống IS.

Nga ngừng sử dụng Hamedan/Iran vì “đã hoàn thành nhiệm vụ”

Ngày 22/8, Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Bahram Qasemi cho biết Nga không có căn cứ quân sự ở Iran, nước này cũng không cho Nga hiện diện vĩnh viễn ở đây, hoạt động quân sự của Nga tại nước này hiện đã kết thúc.

Theo ông Qasemi, Nga đã ngừng sử dụng căn cứ không quân Nojeh, Hamedan, ở phía Tây Bắc Iran, mà trước đó lực lượng Hàng không-Vũ trụ đã sử dụng để tiến hành các vụ oanh kích chống khủng bố ở Syria. Lực lượng quân sự Nga tạm thời triển khai hoạt động này và bây giờ nó đã hoàn tất.

Động thái này diễn ra một tuần sau khi các máy bay của Nga đã cất cánh từ Iran, đồng loạt không kích các mục tiêu mặt đất của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và tổ chức khủng bố Mặt trận Al-Nusra ở ba tỉnh, thành phố Syria, gồm Aleppo, Deir Ezzor và Idlib.

Nga và Iran đều đang hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad chống lại quân nổi dậy và các tổ chức khủng bố quốc tế trong cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria. Nga trực tiếp hỗ trợ Syria hỏa lực không quân và số lượng lớn vũ khí, còn Iran thậm chí còn điều cả quân sang.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tuần trước cho biết Nga được phép sử dụng căn cứ Nojeh “đến khi nào không cần” và cho biết, đó là thể theo yêu cầu của chính quyền Syria. Còn Iraq tuyên bố cho phép Nga sử dụng hành lang biên giới của mình để sang Syria.

Tuy nhiên, việc Tehran cho phép Moscow sử dụng căn cứ này đã vấp phải sự chỉ trích của một số nghị sĩ Quốc hội Iran. Các nghị sĩ nước này cho rằng, việc không quân Nga hiện diện ở Hamedan là sự vi phạm Hiến pháp của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Ngay sau đó, vào ngày 21/8, Bộ trưởng Dehghan bác bỏ những chỉ trích đó và khẳng định quan hệ hợp tác giữa Iran và Nga là nhằm thiết lập sự ổn định, hòa bình và an ninh tại khu vực.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định là không có văn bản thỏa thuận chính thức về việc sử dụng căn cứ Nojeh giữa 2 nước, các hoạt động hợp tác chỉ là tạm thời cũng như hạn chế việc tiếp liệu cho máy bay Nga.

Iran cũng từng khẳng định là không cho Nga mở căn cứ vĩnh viễn
Iran cũng từng khẳng định là không cho Nga mở căn cứ vĩnh viễn

Ông cũng khiển trách việc Moscow loan tin lập căn cứ ở nước này, mô tả đó là hành động “khoe khoang và phản bội lòng tin”. Tuy giới chức Tehran không hài lòng về một số tuyên bố của Moscow nhưng không ai có thể ngờ rằng Nga sẽ rời khỏi Iran nhanh thế.

Trong một thông báo ngày 22/8, Bộ quốc phòng Nga cho biết, tất cả máy bay Nga tham gia chiến dịch không kích các mục tiêu IS được triển khai ở căn cứ không quân Hamedan của Iran đã trở về nước, đồng thời nhấn mạnh rằng lực lượng này đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Có phải là “thương vụ vũ khí bí mật thần tốc”?

Trước đó, trang quân sự DEBKAfile cho biết, máy bay vận tải hạng nặng An-124 của Nga chở theo hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-300 đã xuất hiện tại căn cứ quân sự mới vừa được hoàn thành tại Nojeh, cách thành phố Hamedam của Iran khoảng 50 km, vào ngày 17/8.

Giới chức Nga cho biết, các hệ thống tên lửa S-400 và S-300 sẽ không được chuyển giao cho Iran mà chỉ được dùng với mục đích bảo vệ căn cứ không quân mới của Nga - nơi các chiến đấu cơ của nước này đang đồn trú để thực hiện nhiệm vụ oanh kích phiến quân IS tại Syria.

Với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, việc Nga đột nhiên không sử dụng căn cứ không quân Hamedan, chỉ sau 1 tuần hiện diện ở Iran là điều hết sức bất ngờ, không chỉ với giới truyền thông mà cả các chuyên gia phân tích chính trị và bình luận quân sự.

Với quan hệ tương đối tốt giữa Tehran với Moscow trong thời gian qua, loại trừ vấn đề vì một vài phát ngôn mà Iran buộc Nga phải rút quân. Do đó, việc VKS ngừng triển khai lực lượng không quân chiến lược ở Hamedan chắc chắn là do chủ ý của Điện Kremlin.

Đã có ý kiến cho rằng, thực chất việc Moscow triển khai máy bay ở Iran là chỉ nhằm thực hiện một cú áp phe vũ khí siêu nhanh gọn, bí mật chuyển giao cho Tehran các hệ thống phòng không tối tân S-300 và S-400. Tuy nhiên, điều này là không có cơ sở.

Thứ nhất là: Các hệ thống phòng không S-300 và S-400 là vũ khí phòng thủ, từ trước đến nay không nằm trong danh mục vũ khí bị Liên Hiệp Quốc áp đặt trong lệnh trừng phạt Iran.

Do đó, Nga có thể đường hoàng giao vũ khí, không cần thiết phải thực hiện một chiến dịch triển khai máy bay ném bom chiến lược quy mô và tốn kém như vậy để chuyển giao.

Thứ hai là: Nếu nói Nga và Iran cần chuyển giao bí mật để gây bất ngờ cho kẻ địch cũng không hợp lý. Một vũ khí phòng thủ chỉ phát huy tác dụng khi bị kẻ địch tấn công, mà ở đây là trường hợp Iran bị các đối thủ không kích vào sâu trong lãnh thổ đất nước.

Mà với một vũ khí phòng thủ, cách phòng thủ tốt nhất là để kẻ địch khiếp sợ mà từ bỏ dã tâm tấn công. Với S-400 cũng vậy, nếu Iran công khai sở hữu chúng cùng với S-300 sẽ là phương thức răn đe hữu hiệu nhất để các đối thủ nản lòng khi nghĩ tới việc không kích.

Chúng ta cứ thử nhìn nhận hiệu quả răn đe của S-400 và Su-35 ở căn cứ không quân Hmeymim thì sẽ rõ. Nếu 2 loại vũ khí này hiện diện ngay từ đầu trên chiến trường Syria thì chắc chắn đã không có sự việc Su-24 xảy ra. Do đó, Iran cũng không có lí do gì cần nhận S-400 một cách bí mật.

Hamedan không còn hiệu quả do bị Mỹ chặn đường al-Hasakah

Trước sự việc Nga mở căn cứ ở Iran, giới chức quân sự Mỹ và đồng minh im lặng nhưng truyền thông Nga và phương Tây cho rằng đây là một thắng lợi rất lớn của Nga trước Mỹ, không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria mà trong toàn khu vực Trung Đông.

Vậy giải thích thế nào về việc chỉ sau 1 tuần không kích được tuyên bố là “hiệu quả và bất ngờ” Nga đã rút lực lượng từ Iran về nước? Không ai rầm rộ triển khai hàng loạt máy bay ném bom chiến lược ra nước ngoài chỉ để thực hiện vài vụ không kích lặt vặt trong vòng 1 tuần cả.

Do đó, chỉ có thể giải thích bởi nguyên nhân là Nga muốn triển khai căn cứ lâu dài ở Iran nhưng buộc phải rút về nước, do căn cứ này không còn hiệu quả sau những hạn chế của Iraq và sự răn đe của Mỹ.

Nếu đường bay thẳng được mở, căn cứ Hamedan sẽ rất hiệu quả, đường bay phía Bắc vào al-Hasakah đã bị Mỹ chặn, còn đường bay phía Nam thì quá xa
Nếu đường bay thẳng được mở, căn cứ Hamedan sẽ rất hiệu quả, đường bay phía Bắc vào al-Hasakah đã bị Mỹ chặn, còn đường bay phía Nam thì quá xa

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Baghdad ngày 16/8, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nhấn mạnh, nước này mở không phận cho máy bay Nga từ sân bay Hamedan của Iran sang tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria, nhưng có kèm theo một số điều kiện.

Theo nhà lãnh đạo Iraq, các máy bay ném bom chiến lược và chiến thuật của Nga xuất phát từ sân bay Hamedan ở phía Tây Bắc Iran sẽ chỉ được sử dụng các hành lang biên giới để thực hiện các cuộc không kích và không được phép bay qua các thành phố của Iraq.

Mà để sang Syria thì máy bay Nga sẽ chỉ có hành lang biên giới phía Nam và phía Bắc của Iraq. Trong đó hành lang phía Bắc Iraq là đoạn đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, nếu bay xuống phía Nam, men theo biên giới Iran-Iraq và Iraq-Jordan thì sẽ rất xa và không hiệu quả.

Tuy nhiên, ngay sau khi Nga công khai việc sử dụng sân bay Hamedan thì Mỹ cũng công khai sử dụng sân bay Rmeilan ở al-Hasakah, phía đông bắc Syria và lên tiếng răn đe cả Nga lẫn Syria là các chiến đấu cơ của họ sẽ bảo vệ tất cả các lực lượng của liên quân ở đây.

Thực chất của tuyên bố này là việc áp đặt một vùng cấm bay ở khu vực al-Hasakah, chính là ngã 3 tam giác biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq. Nếu máy bay ném bom Nga bay qua đây thì sẽ xảy ra đụng độ với máy bay Mỹ và liên quân. Đó là điều Moscow không hề muốn xảy ra.

Việc Nga sử dụng căn cứ Hamedan ở phía Bắc Iran chủ yếu là nhằm tấn công sang phía Bắc Syria mà bây giờ chỉ có thể bay vòng xuống phía nam đi quãng đường xa ít nhất gần gấp 4 lần thì rõ ràng là không hiệu quả. Do đó, việc Nga rút khỏi căn cứ này là điều dễ hiểu.

Theo Thiên Nam

Đất Việt