Mỹ và liên quân lần đầu thử hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Âu
(Dân trí) - Hải quân Mỹ cùng liên quân 8 nước Châu Âu sẽ tiến hành thử hệ thống phòng thủ tên lửa lần đầu vào cuối tháng này, các nguồn tin quân sự Mỹ cho biết.
Vụ thử diễn ra trong các cuộc tập trận phòng vệ bằng tên lửa trong khuôn khổ Diễn đàn phòng thủ tên lửa hàng hải Theater, trong đó lính liên quân sẽ tập trung phối hợp các nỗ lực phòng thủ bằng tên lửa, trang mạng Stars and Stripes cho biết. Diễn đàn được lập ra vào năm 1999 bao gồm các nước Canada, Úc, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Na Uy,Ý và Mỹ.
Mục tiêu của vụ thử lần này nhằm kiểm tra khả năng của liên quân trong việc chặn đứng các thách thức bằng đa tên lửa và phối hợp hành động trong việc đánh chặn nhiều tên lửa cùng lúc. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa quan trọng của liên quân, trang mạng military.com trích dẫn Hạm đội 6 của Mỹ cho biết.
Các cuộc tập trận sẽ bao gồm thử khả năng đánh chặn cùng lúc tên lửa đạn đạo được phóng từ Outer Hebrides (Anh), gần Scotland và tên lửa chống hạm được phóng từ một căn cứ khác gần đó. Để hoàn tất nhiệm vụ này, các tàu hải quân liên quân sẽ phối hợp với các hệ thống chỉ huy điều khiển tự động hiện đại, trong đó có hệ thống điều khiển Aegis được lắp đặt trên tàu chiến Mỹ, tàu này sẽ phóng 3 tên lửa dẫn đường chống tên lửa đạn đạo SM-3.
Aegis là một hệ thống phòng thủ tên lửa thủ tân tiến dùng để tìm và diệt các mục tiêu, được lắp đặt trên hơn 30 tàu chiến Mỹ và cũng được sử dụng tại một số quốc gia khác, trong đó có Tây Ban Nha và Na Uy.
Các nguồn tin quân sự không tiết lộ chính xác ngày và địa điểm cho vụ thử hệ thống phòng thủ tên lửa trên tại Châu Âu.
Vụ thử này đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại Châu Âu do Mỹ và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương lập ra khoảng một thập niên gần đây.
Trước đó ngày 25/9, hải quân Mỹ đã hoàn tất việc triển khai hệ thống Aegis trên tàu chiến thứ 4, cũng là tàu cuối mang tên ‘Carney’ tại cảng Rota (Tây Ban Nha). Đây là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ phát triển tại Châu Âu.
Bên cạnh hệ thống phòng thủ tên lửa được thiết lập trên tàu chiến, hệ thống này còn bao gồm các khu đánh chặn trên bộ sẽ được xây dựng tại Romania và Ba Lan. Các nhà làm luật Ba Lan trước đó ngày 25/9 thông qua một hiệp định hợp tác kỹ thuật với Mỹ liên quan đến việc thiết lập căn cứ đánh chặn tên lửa tại Redzikowo. Theo kế hoạch, căn cứ Redzikowo sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018.
Mỹ và NATO tiếp tục tập trung ngăn chặn các thách thức tên lửa đến từ Iran, đây là lý do chính để Mỹ và NATO phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Âu. Hiện Iran đang sở hữu các hệ thống tên lửa đạn đạo tân tiến tầm ngắn và tầm trung có tầm bắn khoảng 2.500km.
Hiệp định về hạt nhân đạt được với Iran trước đó vào ngày 14/7 nhằm cắt giảm chương trình hạt nhân của nước này nhưng không làm thay đổi các kế hoạch của Mỹ trong việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Âu.
Mátxcơva về phần mình gần đây đã liên tục phản đối việc thiết lập hệ thống trên, cho rằng hệ thống này là nhằm đe dọa an ninh quốc gia Nga. Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ các cáo buộc trên.
Vũ Duy
Theo RT