Mỹ- Trung trong cuộc đua thống trị kinh tế toàn cầu
Tuyên bố của 4 nền kinh tế đầu tàu châu Âu cùng một số quốc gia khác để ngỏ khả năng tham gia định chế tài chính mới do Trung Quốc đề xuất dường như đã đánh dấu thắng lợi bước đầu của Bắc Kinh đối với Washington trong cuộc cạnh tranh lôi kéo đồng minh.
Nhiều chuyên gia phân tích còn cho rằng, hiện tượng một số lượng không nhỏ các quốc gia châu Âu bỏ ngỏ khả năng gia nhập một ngân hàng phát triển quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu đã cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tăng tầm ảnh hưởng của họ đối với nền kinh tế toàn cầu, và sự suy giảm của Mỹ ở vị trí thống trị trong khu vực.
Đức, Pháp và Italia hiện đã theo bước Anh quốc để tuyên bố rằng họ có kế hoạch rõ ràng để gia nhập Ngân hàng phát triển khu vực châu Á mà Trung Quốc dẫn đầu, vốn được Washington coi là một mối quan ngại.
Hôm 17-3 Pháp đã xác nhận rằng họ đang chuẩn bị gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), trong khi một tuyên bố của Bộ Tài chính Đức nêu rõ họ "có thể cung cấp vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng cấp thiết ở châu Á” và đóng góp cho sự phát triển toàn cầu.
Các nền kinh tế lớn khác trong khu vực gồm Australia và Hàn Quốc cũng đang cân nhắc xem liệu có nên đứng chung với Mỹ mà xa lánh Dự án ngân hàng trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc – vốn được coi là đối thủ cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới (WB) mà Mỹ dẫn đầu – hay không. Ngay cả Thụy Sỹ và Luxembourg cũng đang đứng trước hai ngã rẽ.
Theo Tân Hoa Xã ngày 18-3, Bộ Tài chính Trung Quốc đã hoan nghênh quyết định của các nước Pháp, Italia và Đức trong việc gia nhập Dự án AIIB với tư cách các thành viên sáng lập.
Tuần trước, Anh từng cho biết quyết định của họ để trở thành một thành viên sáng lập AIIB là vì các lợi ích của quốc gia, bất chấp các quan ngại của Washington trước động thái này.
Tờ Financial Times, dẫn lời các quan chức châu Âu, nói rằng quyết định của 4 nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong việc gia nhập AIIB là một đòn chí mạng đối với Washington. Mỹ từng ra sức thuyết phục các nước đồng minh không gia nhập Dự án AIIB, với lý do tiêu chuẩn cho vay, hệ thống quản lý và uy tín xã hội của Ngân hàng này không thể so sánh với chuẩn mực của Ngân hàng Thế giới. "Đây là thành công lớn cho những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc tăng cường vai trò đối với nền kinh tế toàn cầu, và là phép thử cho tầm ảnh hưởng kinh tế đang lên của Trung Quốc” – chuyên gia kinh tế Jiangguang Shen nhận định – "Điều này cũng khiến sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu”.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á trong ngày 17-3 đã đánh tín hiệu rằng dù vẫn còn nhiều quan ngại quanh sự việc này, nhưng việc các nước quyết định thế nào là tùy ở họ.
Các quan chức và giới học giả đều nhận định rằng, quyết định gia nhập AIIB của Anh và các nước châu Âu khác chủ yếu xuất phát từ lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, cũng có nhiều góc nhìn khác cho rằng đây là một cuộc đấu đá không khoan nhượng. "Đây rõ ràng là một cuộc đấu tranh quyền lực, để xem ai là người có quyền viết lại quy tắc kinh tế thế giới” – Gideon Rachman, bình luận viên của tờ Financial Times, nhận định.
Trong khi đó, Nhật Bản – đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực – hiện đang là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bên cạnh Mỹ. Bởi vậy, khó có khả năng Nhật sẽ tham gia vào Dự án AIIB. Tuy nhiên, người đứng đầu ADB, ông Takehiko Nakao, mới đây đã nói với tạp chí Nikkei Asian Review rằng hai thể chế này hiện đang tổ chức các cuộc thảo luận và có khả năng sẽ hợp tác trong tương lai.