Mỹ - Trung đối thoại thương mại bế tắc
Mỹ và Trung Quốc hôm 19-7 không đạt được thỏa thuậnvề thương mại sau Đối thoại Kinh tế toàn diện đầu tiên, đồng thời bỏ luôn họp báo.
Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Trung Quốc và Mỹ đã không đạt được một thỏa thuận thương mại sau Đối thoại Kinh tế toàn diện đầu tiên ở Washington hôm 19-7. Điều này đã phủ bóng đêm lên mối quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh Nhà Trắng đe dọa áp đặt hạn ngạch thương mại và thuế vào thép, nhôm xuất khẩu của Bắc Kinh.
Sau cuộc họp, hai nước cũng đã hủy họp báo nhưng không đưa ra lời giải thích cho động thái này mà chỉ cho biết hai bên không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào sau cuộc họp. Mỹ là bên hủy họp báo đầu tiên, sau đó Trung Quốc mới đưa ra quyết định tương tự.
(Từ trái qua: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tại Đối thoại Kinh tế toàn diện Mỹ-Trung hôm 19-7. Ảnh: SCMP)
Cuối ngày 19-7, phái đoàn Mỹ đã phát đi một thông cáo ngắn cho biết: “Trung Quốc công nhận mục tiêu của chúng tôi là giảm thâm hụt thương mại và hai bên sẽ cùng hợp tác để đạt được”.
Thông cáo viết: “Các quy tắc cân bằng, công bằng và tương hỗ đối với các vấn đề thương mại sẽ tiếp tục làm kim chỉ nam cho chủ trương của Mỹ vì vậy chúng tôi có thể tạo cơ hội cho công nhân và doanh nghiệp của Mỹ cơ hội cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Chúng tôi mong muốn đạt được các mục tiêu quan trọng mà Tổng thống Trump đề ra hồi tháng 4 vừa qua ở Mar-a-Lago”.
Trong khi đó, thông cáo phát đi từ phái đoàn Trung Quốc chỉ cho biết hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, cải tiến thông tin về các chính sách kinh tế vĩ mô cũng như hợp tác trong lĩnh vực tài chính. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đưa ra thông cáo ngắn ngọn, song tờ SCMP bình luận đe dọa về một cuộc chiến thương mại vẫn còn hiện hữu. Hôm 19-7, khi được một phóng viên hỏi liệu Tổng thống Trump sẽ áp hạn ngạch thương mại vào thép nhập khẩu, nhà lãnh đạo Mỹ trả lời “có thể xảy ra”.
Cuộc đối thoại kinh tế toàn diện này là một trong bốn cơ chế được thiết lập bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh ở Florida hồi đầu tháng 4. Cuộc đối thoại do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đồng chủ trì.
Tại phiên khai mạc sáng 19-7, ông Mnuchin cho hay mục đích của đối thoại là theo đuổi “mối quan hệ công bằng và cân bằng” giữa Mỹ và Trung Quốc, giải quyết những điều bất tương xứng gây ra bởi sự can thiệp của Bắc Kinh trong nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, đối thoại còn nhằm truyền đạt thông điệp sửa đổi các chính sách và quy định hiện hành hoặc đi đến các quy định và chính sách mới.
Ông Ross cho hay ông không xem thâm hụt thương mại là “sản phẩm tự nhiên của lực lượng thị trường tự do”. “Đã đến lúc tái cân bằng mối quan hệ thương mại và đầu tư của chúng ta theo hướng công bằng, cân bằng và tương hỗ hơn” – ông Ross nhấn mạnh.
Theo ông Ross, trong hơn 15 năm qua, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đã tăng lên 268%. Thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc cũng tăng lên 205%, tức là tăng từ 101 tỉ USD lên 309 tỉ USD. Hiện nay, Bắc Kinh chiếm gần 50% thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại phiên khai mạc nói rằng hai bên đã nhất trí cách tiếp cận là sẽ không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác để đem đến kết quả đôi bên cùng có lợi. “Đối thoại không thể giải quyết hết mọi vấn đề ngay lập tức, song đối đầu sẽ ngay tức thì phá hủy mọi lợi ích của hai bên” – ông Uông khẳng định.
Trước đối thoại, hôm 18-7, một nhóm công ty sản xuất thép và nhôm của Mỹ đã gửi một bức thư ngỏ tới Bộ Trưởng Wilbur Ross. Trong thư, họ hối thúc chính quyền Tổng thống Trump đưa ra “hành động khắc phục” liên quan tới các lo ngại an ninh quốc gia để bảo vệ lĩnh vực thép và nhôm của Mỹ trước hàng nhập khẩu giá rẻ cùng loại từ Trung Quốc.
“Đây là lúc Mỹ phải “xác lập mạnh mẽ quyền lợi của mình trong sản xuất và nông nghiệp” - Michael Stumo, giám đốc điều hành của Liên minh vì Mỹ thịnh vượng, viết trong thư. Theo trang tin Axios của Mỹ, việc áp thuế tiềm năng vào các nước xuất khẩu thép lớn của nước ngoài, kể cả Trung Quốc có thể lên tới 20%.
Theo Ngọc Như
Pháp luật TP. Hồ Chí Minh