Mỹ - Trung cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến cáp ngầm
(Dân trí) - Trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để giành quyền thống trị mạng lưới hạ tầng công nghệ của thế giới, cuộc chiến mới nhất đang diễn ra ở dưới Thái Bình Dương.
Trong khi Mỹ đang gia tăng sức ép lên các đồng minh để tẩy chay thiết bị của các hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc như Huawei và ZTE ra khỏi hệ thống 5G của họ, các công ty Trung Quốc vẫn giành được vị thế trong hạ tầng viễn thông quan trọng nhất thế giới - cáp ngầm Internet dưới biển.
Gần như tất cả dữ liệu liên lạc toàn cầu đều được truyền tải qua hệ thống dây cáp bên dưới các đại dương và chỉ 1% đi qua các vệ tinh. Các công ty Trung Quốc đã âm thầm làm suy yếu sự thống trị của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đối với hệ thống được xem là “xương sống” của Internet - mạng lưới cáp ngầm dưới biển. Hiện tại, Trung Quốc đang hướng tầm nhìn tới việc kết nối một trong những khu vực xa nhất thế giới - các quốc đảo ở Thái Bình Dương.
Trong số 378 tuyến cáp đang hoạt động trên toàn thế giới, chỉ có 23 tuyến cáp đặt bên dưới Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phần lớn các tuyến cáp này chạy qua các quốc đảo Thái Bình Dương trong lộ trình kết nối với các trung tâm ở Los Angeles (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản) và Singapore.
Theo thống kê của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNESCAP), mặc dù lượng dữ liệu được truyền tải qua các tuyến cáp đặt dưới Thái Bình Dương rất lớn, nhưng chỉ 500.000 người trong số 11 triệu người sống tại các quốc đảo Thái Bình Dương và Papua New Guinea, tức chưa đầy 5%, có kết nối Internet có dây và chỉ 1,5 triệu người có kết nối di động. Con số này rất thấp so với 53% người dân ở Thái Lan và 60% ở Philippines có thể kết nối Internet.
Lo ngại về an ninh
Việc tăng cường kết nối các quốc đảo Thái Bình Dương với công nghệ hạ tầng Internet mới nhất đã được Mỹ và các đồng minh như Australia xem xét kỹ lưỡng vì có liên quan tới sự tham gia của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Mặc dù Mỹ đã ngăn chặn việc Huawei cung cấp các thiết bị cho mạng lưới 5G của các đồng minh của Mỹ, song các chuyên gia cho rằng các công ty công nghệ Trung Quốc có thể sẽ thách thức sự thống trị lâu dài của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong lĩnh vực truyền tải dữ liệu toàn cầu, thông qua việc đầu tư vào các tuyến cáp ngầm dưới biển.
Những “gã khổng lồ” về công nghệ của Trung Quốc như Huawei có các bộ phận chuyên phụ trách việc kết nối cáp ngầm và đã đặt hàng nghìn km cáp dưới biển. Các công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc như China Unicom cũng có thể truy cập vào các tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương hiện thời.
Tuy nhiên, một ủy ban do Bộ Tư pháp Mỹ dẫn đầu đã tạm dừng một dự án cáp xuyên Thái Bình Dương gần như hoàn thiện, do lo ngại về một nhà đầu tư Trung Quốc là Tập đoàn Truyền thông và Viễn thông Dr Peng đặt trụ sở tại Bắc Kinh.
Dự án với tên gọi Mạng lưới Cáp quang Thái Bình Dương có thể là mạng lưới cáp đầu tiên bị ủy ban của Mỹ từ chối vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia, mặc dù dự án này có sự hậu thuẫn từ các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Google và Facebook. Động thái này đã tạo tiền lệ cho lập trường cứng rắn hơn của Mỹ đối với sự tham gia của Trung Quốc trong các tuyến cáp dưới biển.
Theo Craige Sloots, giám đốc kinh doanh tại Mạng lưới Xuyên cáp phía Nam, đơn vị vận hành các tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương lớn nhất hiện tại, đối với bất kỳ tuyến cáp mới nào, các nhà vận hành cũng phải xem xét kỹ lưỡng chủ sở hữu của các công ty liên quan cũng như nhà sản xuất thiết bị của dự án.
Những quan ngại tương tự đã khiến một tuyến cáp được Huawei hỗ trợ, nối Vanuatu với Papua New Guinea, bị hoãn lại vào năm ngoái sau khi Australia can thiệp để rót vốn vào dự án cáp của riêng nước này.
Chỉ vài tháng sau khi Công ty Cáp ngầm đảo Solomon thuộc sở hữu của chính quyền Solomon đồng ý dự án cáp ngầm với Huawei vào giữa năm 2017, Australia đã chi 67 triệu USD để nối thành phố Sydney với quốc đảo Solomon và Papua New Guinea bằng hệ thống cáp đặt dưới đáy biển San hô.
Kết nối khu vực xa xôi
Trong suốt nhiều năm, khi Nhật Bản, Hong Kong và Singapore vẫn được xem là những trung tâm toàn cầu về đường truyền Internet tốc độ cao, các tuyến cáp xuyên đại dương vẫn được đặt ở ngoài khơi các quốc đảo Thái Bình Dương, trên lộ trình nối các trung tâm Internet ở hai bờ đại dương.
Theo Tiziana Bonapace, giám đốc bộ phận giảm thiểu rủi ro thảm họa và công nghệ thông tin tại UNESCAP, các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn là một trong những khu vực bị mất kết nối nhiều nhất trên thế giới. Tại đây, phần lớn dân cư không được truy cập Internet.
Trong 5 năm qua, các tổ chức quốc tế như UNESCAP, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới vẫn đang thúc đẩy sự kết nối tốt hơn với khu vực. Chương trình kết nối khu vực Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới đã đầu tư hơn 90 triệu USD vào cơ sở hạ tầng băng thông rộng cho Fiji, Micronesia, Kiribati, Quần đảo Marshall, Palau, Samoa và Tuvalu. Tuy nhiên, sự đầu tư này không mang lại hiệu quả.
Một tuyến cáp phải đi hàng nghìn km chỉ để kết nối với một khu vực dân cư thậm chí còn ít hơn một đô thi tại châu Á. Và ngay cả khi được kết nối với Internet rồi, cơ sở hạ tầng viễn thông của quốc đảo Thái Bình Dương cũng rất “mong manh”.
Hồi tháng 1, Tonga từng trải qua sự cố mất mạng toàn bộ trong 2 tuần khi một tuyến cáp bị trục trặc. Hầu hết các khu vực trên thế giới đều được kết nối bởi nhiều tuyến cáp khác nhau để ngăn chặn sự cố như vậy.
“Nếu những nước này muốn trở thành một phần của nền kinh tế quốc tế, họ cần mạng lưới viễn thông đáng tin cậy”, Bruce Howe, giáo sư về kỹ thuật tài nguyên và đại dương tại Đại học Hawaii, nhận định.
Tại Papua New Guinea, nơi Internet di động mới chỉ tiếp cận được chưa đầy 1/3 dân số, liên minh giữa công ty viễn thông GoPNG và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đã rót vốn cho hệ thống cáp nội bộ Kumul mới do Huawei thực hiện. Dự án cáp này đã đi vào hoạt động trong năm nay.
Trong khi đó, hệ thống Southern Cross Next, thuộc sở hữu của Spark, Verizon, Singtel Optus và Telstra - nhóm cổ đông vận hành tuyến cáp đôi dài 30.500 km nối Mỹ với Australia và New Zealand, dự kiến hòa mạng vào năm 2022 và sẽ kết nối trực tiếp với Fiji, Samoa, Kiribati và Tokelau.
Thành Đạt
Theo SCMP