1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ tranh cãi vì cái cúi chào của Obama tại Nhật

(Dân trí) - Những hình ảnh cho thấy Tổng thống Obama “cúi rạp” người trước Nhật hoàng trong chuyến công du Nhật mới đây đã khiến các nhà phê bình ở Washington kịch liệt phản đối. Họ cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ phải đứng thẳng khi đại diện cho nước Mỹ ở nước ngoài.

 

Mỹ tranh cãi vì cái cúi chào của Obama tại Nhật - 1

Obama cúi chào Nhật hoàng Akihito hôm thứ bảy vừa qua, 14/11, tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo.

Tổng thống Obama đã ở Trung Quốc vào hôm qua, thứ hai, và đã kết thúc chặng dừng chân ở Nhật Bản, trong chuyến công du châu Á từ hai ngày trước. Thế nhưng tại Washington, người ta vẫn tranh luận về việc liệu tổng thống Mỹ có làm “mất mặt” đất nước ông hai ngày trước hay không khi có cái cúi “rạp” người trong cuộc gặp với Nhật hoàng Akihito.

 

Các cuộc đàm đạo chính trị trên truyền hình đã quay đi quay lại giây phút từ hai ngày trước trong chuyến công du châu Á 1 tuần của Obama. Hình ảnh cũng gây ra một cuộc tranh luận nảy lửa trên các blog và các diễn đàn.

 

“Tôi không biết liệu Tổng thống Obama có nghĩ rằng điều đó có phù hợp. Có lẽ ông ấy đã nghĩ sẽ cư xử thật đẹp tại Nhật. Nhưng điều đó không phù hợp đối với một tổng thống Mỹ, khi cúi chào một nhân vật nước ngoài”, học giả bảo thủ William Kristol cho biết trên chương trình Fox News Sunday. Ông cho biết thêm cử chỉ đó chứng tỏ một nước Mỹ đã trở nên yếu đi và có thái độ quá cung kính dưới thời Obama.

 

Một tiếng nói bảo thủ khác, Bill Bennett, cho biết trên chương trình “State of the Union” của đài CNN: “Thật kinh khủng. Tôi không muốn thấy điều đó”.

 

“Tôi không phản đối các hoàng đế. Nhưng Tổng thống của nước Mỹ, cùng với rất nhiều lời xin lỗi từ nước Mỹ, lại là một điều khác”, Bennett cho hay.
 
 
Mỹ tranh cãi vì cái cúi chào của Obama tại Nhật - 2
Hình ảnh đã được phát đi phát lại trên truyền hình Mỹ.
 

Một số nhà phê bình bảo thủ còn để hình ảnh Obama cạnh một cựu phó Tổng thống Mỹ, Dich Cheney, khi ông chào Nhật hoàng vào năm 2007 với một cái bắt tay thật chặt nhưng không cúi chào.

 

“Tôi cá rằng nếu bạn nhìn vào các bức ảnh của các nhà lãnh đạo thế giới suốt 20 năm qua khi gặp Nhật hoàng, sẽ thấy họ không cúi chào”, Kritstol cho hay.

 

Một số cho rằng cử chỉ đó đặc biệt bị phản đối, bởi nó diễn ra sau khi ông cũng có cái cúi chào trước Quốc vương Ảrập Xê-ut tại một hội nghị G20 hồi tháng 4.

 

Chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ diễn ra gần một năm sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng và được Washington thiết kế nhằm củng cố quyền lực của Mỹ tại khu vực mà Trung Quốc đang ngày càng có vai trò quan trọng.

 

Trở lại quê nhà, cái cúi đầu của Obama ở Nhật dường như bị chú ý nhiều hơn là những gì chuyến đi của ông đạt được.
 
 
Mỹ tranh cãi vì cái cúi chào của Obama tại Nhật - 3
Cái cúi chào bị các nhà phê bình chỉ trích, cho thấy nước Mỹ đang bị yếu đi.
 

Cử chỉ có vẻ như đã chạm đến “dây thần kinh nhức nhối” của những người vốn đã chỉ trích ông Obama. Họ cho rằng Tổng thống đã nhanh chóng hạ thấp nước Mỹ, với tư cách là một siêu cường, khi xin lỗi quá nhiều và quá nhún nhường trong cách hành xử của ông với các nhà lãnh đạo thế giới.

 

Trong khi hầu hết những lời bình luận về cái cúi chào ở Nhật đều là phê phán, chỉ trích, cũng có một số nhà quan sát chính trị, như nhà hoạt động kỳ cựu của đảng Dân chủ Donna Brazile, lại đứng ra bảo vệ Tổng thống Obama.

 

“Tôi nghĩ đó là cử chỉ lịch sự, thể hiện sự ân cần, tử tế”, bà cho biết trên CNN. Bà cho rằng cái cúi đầu có vẻ như chứng tỏ “thiện chí giữa hai nước, nhằm tôn trọng lẫn nhau”.

 

Trong khi đó, một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Obama, cho biết trên Politico.com rằng Tổng thống đơn giản chỉ đang thực hiện nghi thức ngoại giao. “Tôi nghĩ rằng những ai cố gắng chính trị hóa những điều này là hoàn toàn sai lầm”, người này cho biết.

 

“Tôi không nghĩ ai đó ở Nhật, khi thấy bài phát biểu và phản ứng của ông, chứng kiến những cuộc gặp song phương của ông, chắc chắn sẽ không nói được điều gì ngoài việc ông củng cố cả vị trí lẫn địa vị của Mỹ đối với Nhật”, Politico viết.

 

“Đó là một chuyến thăm tốt, tích cực ở một thời điểm quan trọng, bởi có rất nhiều điều đang diễn ra ở Nhật”.
 
Xem video:
 

 

Phan Anh

Tổng hợp