Mỹ tiếp tục tự đánh giá mình không mạnh
Theo Heritage Foundation, Lầu Năm Góc vừa tỏ ra khiêm tốn khi tự đánh giá thấp về sức mạnh bản thân khi phải đối phó với những hiểm nguy.
Sức mạnh quân sự của Mỹ được đánh giá dự trên 3 khía cạnh: số lượng, chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Thực trạng chung dễ nhận thấy đó là “sự xuống cấp lực lượng” sau nhiều năm thiếu đầu tư, thiếu các chương trình hiện đại hóa và sự ảnh hưởng tiêu cực từ cắt giảm ngân sách lên tính sẵn sàng chiến đấu và năng lực.
Mặc dù quân đội đã tham gia quyết liệt vào các chiến dịch, chủ yếu ở Trung Đông và các khu vực khác kể từ tháng 11/2001, tuy nhiên kinh nghiệm có được là rất ít ỏi và mang tính nhạy cảm về bối cảnh. Kinh nghiệm tác chiến có giá trị bị mất dần cùng với thời gian khi các quân nhân có kinh nghiệm tác chiến độc lập rời khỏi lực lượng.
Lục quân được xếp mức “Yếu”: Chỉ số điểm của Lục quân sụt giảm từ mức “không mạnh” năm 2014 xuống mức “yếu” trong năm 2015, chủ yếu do sự sụt giảm về số lượng, khi Lục quân có ít Đội quân Chiến đấu Lữ đoàn (BCT) hơn để triển khai cho nhiệm vụ ở nước ngoài.
Chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lục quân không thay đổi trong năm qua khi quân đội tiếp tục đối mặt với sự sụt giảm mức độ sẵn sàng chiến đấu sau nhiều năm cắt giảm ngân sách.
Hải quân ở mức “Không mạnh”: Hải quân tiếp tục có chỉ số cao về khả năng sẵn sàng chiến đấu, tuy nhiên “bị trả giá” bởi chất lượng trong tương lai. Việc duy trì bảo dưỡng tiếp tục giúp giữ số lượng tàu hoạt động trên biển, tuy nhiên điều này đang bắt đầu ảnh hưởng đến năng lực triển khai của Hải quân.
Với chỉ số điểm “yếu” về mặt chất lượng (chủ yếu do các hệ thống cũ kỹ và các chương trình hiện đại hóa gặp khó khăn) và “không mạnh” về số lượng, Hải quân hiện chỉ có thể đáp ứng được các yêu cầu về chiến dịch.
Trong thời gian tới, lực lượng hạm đội của Hải quân gặp khó khăn hơn nữa trong việc đáp ứng yêu cầu về mặt chiến dịch, đặc biệt khi các hệ thống của kỷ nguyên Reagan đang gần hết hạn phục vụ.
Thủy quân lục chiến Mỹ - Philippines tập trận đổ bộ trên Biển Đông.
Không quân ở mức “Không mạnh”: Năm 2015, Không quân thực hiện các chuyến bay xuất kích hỗ trợ cho nhiều chiến dịch quan trọng. Không quân có chỉ số đánh giá “rất mạnh” về mặt số lượng.
Chỉ số về chất lượng là “không mạnh”, không thay đổi so với đánh giá của năm trước, trong khi đó khả năng sẵn sàng chiến đấu giảm từ “mạnh” xuống “không mạnh”.
Sự suy giảm về khả năng sẵn sàng chiến đấu được kết luận khi có các báo cáo cho rằng chỉ dưới một nửa các lực lượng không quân chiến đấu đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Thủy quân lục chiến ở mức “Không mạnh”: Năm 2014, điểm mạnh nhất của thủy quân lục chiến là khả năng sẵn sàng chiến đấu, tuy nhiên năm 2015 có nhiều vấn đề được khẳng định bởi chính lực lượng này.
Mặc dù năng lực chiến đấu của lực lượng được duy trì ở mức cao, tuy nhiên đang bị tác động do phương tiện đã lạc hậu; các chương trình thay thế gặp nhiều khó khăn đối với các phương tiện mặt đất quan trọng (đặc biệt là phương tiện chuyên chở lực lược đổ bộ); và lực lượng đang bị cắt giảm. Sự tiến triển đáng chú ý mà lực lượng thủy quân lục chiến có được chính là việc thay thế lực lượng máy bay cánh quạt (trực thăng).
Năng lực hạt nhân ở mức “Không mạnh”: Hiện đại hóa, thử nghiệm và đầu tư cho nền tảng trí thức/nhân tài trong lĩnh vực này chính là những vấn đề chủ yếu mà chương trình hạt nhân của Mỹ phải đối mặt.
Các hệ thống được đưa vào sử dụng có chất lượng tốt, tuy nhiên lực lượng phụ thuộc vào một số lượng vũ khí hạn chế và chủng loại tương đối lạc hậu, trái ngược với các chương trình hạt nhân được đầu tư mạnh mẽ của các quốc gia cạnh tranh.
Với những diễn biến ở những khu vực có lợi ích quốc gia của Mỹ ở nước ngoài, sự bất ổn ngày càng gia tăng ở cấp độ toàn cầu, hiện đang có yêu cầu lớn hơn đòi hỏi hiện đại hóa các năng lực hạt nhân của Mỹ, đặc biệt là đối với các hệ thống đã lạc hậu.
Độ thiện chiến của binh sĩ Mỹ luôn được đánh giá cao.
Việc tiếp tục phụ thuộc vào các hệ thống di sản như B-52 cuối cùng sẽ làm suy giảm tính hiệu quả của chương trình hạt nhân và dẫn đến suy yếu về khả năng đánh chặn chiến lược của Mỹ.
Rõ ràng, những nhận định này đang muốn chứng minh một thực tế khá bi quan về thực trạng của quân đội Mỹ khi lực lượng này đang phải đối mặt với hàng loạt những đe dọa và thách thức tại nhiều khu vực trên thế giới.
Mỹ có dụng ý gì khi khiêm tốn về bản thân?
Song song với việc hạ thấp năng lực bản thân, Mỹ thường nâng cao sức mạnh quân sự Trung Quốc và Nga. Các chính sách cắt giảm chi tiêu quốc phòng đã tác động lớn đến vị thế số một của quân đội nước Mỹ. Hiện tại họ vẫn đang duy trì được vị thế ấy, nhưng Mỹ sẽ không thể chiến thắng cùng lúc hai cuộc chiến lớn.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang dàn trải lực lượng vừa đối đầu với Nga ở Địa Trung Hải và phải đối đầu với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Đồng thời, Mỹ cũng tái khẳng định tuyên bố hồi cuối tháng 3 của Lầu Năm Góc về việc khả năng tác chiến điện tử của không quân, hải quân nước này không có những tiến bộ vượt bậc và đang bị cạnh tranh gay gắt từ cả Nga và Trung Quốc.
Tiếp đến, một loạt chuyên gia quân sự của Mỹ cũng chỉ ra rằng xương sống của không lực Mỹ là hai loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là F-22 và F-35 đều đang có những vấn đề khiến không thể đảm bảo uy thế của Mỹ nếu phải đối đầu với các loại chiến đấu cơ cùng thế hệ như J-20 hay T-50 của Nga.
Tuy nhiên, Mỹ không báo cáo suông theo kiểu khích sĩ khí đối phương và làm giảm nhuệ khí bản thân. Báo cáo này của tình báo hải quân Mỹ cũng đề ra một loạt các biện pháp phải thực hiện lập tức.
Trong đó có việc khẩn trương phát triển hệ thống radar Aegis thế hệ mới nhất, cho phép kiểm soát tốt hơn các tên lửa hành trình, tên lửa diệt hạm nhằm vào hạm đội tác chiến trên biển của Mỹ.
Đồng thời, những loại tên lửa đánh chặn, mìn bẫy với kích thước nhỏ, khả năng công phá và tính tự động tác chiến cao hơn rất nhiều cũng là một trong những ưu tiên mà hải quân Mỹ đề xuất phát triển.
Lầu Năm Góc cũng bắt đầu khởi động chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 6 F-A/XX nhằm đảm bảo khả năng làm chủ bầu trời của không lực Mỹ.
Từ đó để thấy rằng, Mỹ đã chuẩn bị sẵn những kế hoạch và phương án dự phòng để đối phó với những loại vũ khí hiện đại của đối phương. Thực tế, công nghệ quân sự Trung Quốc được phát triển dựa trên nền tảng của Nga, và Mỹ không phải đau đầu để đối phó với hai trường phái quân sự.
Vấn đề đặt ra cuối cùng là vũ khí Mỹ sẽ phải phát triển như thế nào để có thể đối đầu hiệu quả với vũ khí Nga và đảm bảo ưu thế tuyệt đối của Mỹ trong việc duy trì trật tự thế giới đa cực dưới sự dẫn dắt của cường quốc này.
Theo Ngọc Hòa (tổng hợp)
Đất Việt