1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ thừa nhận dùng vũ khí hóa học ở Iraq

Hôm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận đã sử dụng bom napal có chứa phốt pho trắng trong cuộc tấn công các lực lượng nổi dậy Iraq ở thành phố Falluja hồi năm ngoái.

Mặc dù cố bao biện khi nói rằng chất phốt pho trắng là một loại vũ khí thông thường, chứ không phải là vũ khí hóa học và quân đội Mỹ chỉ sử dụng để tạo khói hoặc đánh dấu mục tiêu, Lầu Năm Góc cũng phải thừa nhận: trong một số trường hợp, phốt pho trắng đã được sử dụng như một loại vũ khí gây cháy để buộc các tay súng nổi dậy phải rời khỏi những ví trí mà pháo binh không thể tấn công được.

 

Lời thừa nhận trên được đưa ra sau khi kênh truyền hình "Rai News 24" của Italy phát bộ phim tài liệu mang tên Falluja - Vụ thảm sát được che đậy, tố cáo quân đội Mỹ sử dụng loại bom napal mới, chứa chất phốt-pho trắng và bom napal MK77 (đã bị cấm trong các công ước quốc tế) để đánh chiếm thành phố Falluja vào tháng 12/2004.

 

Bộ phim dẫn lời một cựu lính thuỷ đánh bộ Mỹ, người đã tham gia một cuộc tấn công, thú nhận anh ta đã nhìn thấy các thi thể phụ nữ và trẻ em bị đốt cháy bởi phốt pho trắng.

Trước đó, ngày 14/11, các chính trị gia cánh tả cấp tiến Italy đã tham gia cuộc biểu tình chống Mỹ trước cổng Đại sứ quán Mỹ tại Rome, yêu cầu Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra về việc Mỹ sử dụng loại vũ khí hóa học nói trên.

 

Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 15/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho biết ngay từ năm 1998, Quốc hội Mỹ đã thông qua "Đạo luật giải phóng Iraq", nhằm mục đích lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Saddam Hussein. Ông Rumsfeld tiết lộ, tháng 12 năm đó, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton đã lên kế hoạch đánh bom Iraq trong vòng bốn ngày.

 

Thất vọng trước những tiến triển chậm chạp tại Iraq, với tỷ lệ 79 phiếu thuận, 19 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu bất tín nhiệm chính sách của Tổng thống G.Bush tại Iraq, đồng thời thông qua nghị quyết yêu cầu chính quyền của Tổng thống Bush cứ ba tháng một lần, phải báo cáo về tình hình Iraq và đưa ra những chiến lược rõ ràng hơn nhằm thoát khỏi tình trạng sa lầy sau hai năm xung đột quân sự đẫm máu tại nước này.

 

Theo Bá Chính

Tuổi trẻ/AFP, VNA, AP