1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ thử tên lửa chống hạm "móng vuốt quỷ biển" từ máy bay B1-B

(Dân trí) - Máy bay ném bom B1-B Lancer của Mỹ đã bắn thử nghiệm thành công 2 tên lửa chống hạm tầm xa LRASM, tên lửa được mệnh danh là “móng vuốt quỷ biển” vì khả năng tấn công mạnh mẽ, là mối đe dọa với các tàu chiến của đối phương.

Uy lực tên lửa chống hạm "móng vuốt quỷ biển" của Mỹ

Tên lửa LRASM (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tên lửa LRASM (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) thông báo, 2 tên lửa LRASM bắn ra từ máy bay ném bom tàng hình B1-B Lancer của Mỹ đã bắn trúng mục tiêu khi thử nghiệm trên biển. “Các lên lửa đã bay qua các điểm theo đúng kế hoạch đưa ra, chuyển hướng theo điều chỉnh, và bay thẳng vào mục tiêu hải quân đang di chuyển dựa vào hệ thống cảm biến”, thông cáo của Lockheed viết.

Tên lửa LRASM được thiết kế để thực hiện gần như tự động hàng loat nhiệm vụ một khi được bắn ra. Nó có khả năng tự dò tìm, tấn công tàu, làm giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng giám sát. Trong thực chiến, việc điều những khí tài có nhiệm vụ trinh thám đi làm nhiệm vụ đôi khi sẽ gây ra khó khăn cho Hải quân Mỹ tại một số khu vực như Thái Bình Dương.

Trong phiên điều trần hồi tháng 4 trước Quốc hội Mỹ, Philip Davidson, quan chức thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ PACOM (nay đổi là Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương), cho biết PACOM chỉ có khoảng 25 % số khí tài tình báo, giám sát, trinh thám lực lượng này cần tại khu vực mà họ đang hoạt động.

Lockheed Martin đã nhận nhiệm vụ tích hợp LRASM vào máy bay B-1B của Không quân Mỹ vào năm 2018 và máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ vào năm 2019 trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu của Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến DARPA trực thuộc Lầu Năm Góc.

“Với sự gia tăng của các mối đe dọa hàng hải tại các khu vực trên đại dương, tên lửa bán tự động, chống hạm phóng từ trên không có thể làm giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng bên ngoài và dễ dàng hơn khi thâm nhập vào hệ thống phòng không phức tạp của đối phương”, thông báo của DARPA viết.

LRASM được tích hợp hệ thống điện tử nhằm hướng đầu đạn tới mục tiêu ở khoảng cách xa. Nó giống như một vật thể bay thông minh, tàng hình trước radar và có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 370km. Các hệ thống được trang bị trên LRASM cho phép nó có thể xác định mục tiêu mà không cần tín hiệu tình báo từ trước cũng như các công nghệ hỗ trợ như GPS.

LRASM có chiều dài 4,2m và nặng 1,13 tấn, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và hệ thống dò tìm, phân biệt mục tiêu đa phương thức. Nó được trang bị một đầu đạn nổ xuyên thấu và phân mảnh đủ sức tiêu diệt mọi tàu chiến trên mặt nước.

LRASM có thể trở thành một trong những loại vũ khí chủ lực của Mỹ khi đối đầu với các hạm đội hải quân của Trung Quốc trên Thái Bình Dương.

Đức Hoàng

Tổng hợp