1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ thảo luận kế hoạch tuần tra Biển Đông với Úc

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter hôm qua gặp những người đồng cấp Úc tại Boston để thảo luật việc mở rộng hợp tác ở Biển Đông và có thể là các cuộc tuần tra của Mỹ trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

 


Các quan chức Mỹ, Úc tại cuộc gặp 2+2 ở Boston ngày 13/10 (Ảnh: AP)

Các quan chức Mỹ, Úc tại cuộc gặp 2+2 ở Boston ngày 13/10 (Ảnh: AP)

Cuộc gặp kéo dài 2 ngày tại thành phố Boson, Mỹ có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Úc Julie Bishop, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Úc Marise Payne. Đây là cuộc gặp thường niên giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của hai đồng minh thân cận.

Trong một tuyên bố chung, họ đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về hoạt động cải tạo đất và xây dựng của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông. Tuyên bố kêu gọi “tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ngừng cải tạo đất, xây dựng và quân sự hóa”.

Phát biểu sau cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tuyên bố quân đội Mỹ sẽ điều tàu và máy bay tới bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có Biển Đông.

“Mỹ và Úc đều muốn ủng hộ và duy trì cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, AFP dẫn lời ông Carter trong cuộc họp báo chung ngày 13/10.

“Mỹ sẽ điều máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm khắp thế giới, và Biển Đông sẽ không là ngoại lệ”, ông Carter nhấn mạnh.

Bộ trưởng Carter cho hay đó không chỉ là một cam kết của Mỹ, mà còn được các đồng minh quan trọng trong khu vực của Washington như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ... chia sẻ.

Về phần mình, Ngoại trưởng Úc Bishop nói Washington và Canberra cùng có quan điểm về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

“Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng hối thúc tất cả các bên không hành động đơn phương, không hành động theo cách có thể làm leo thang căng thẳng”, bà nói.

Bà Bishop bày tỏ sự ủng hộ đối với “các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để thúc đẩy các nguyên tắc này đối với tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như các nơi khác”.

Ngoại trưởng Úc cũng hoan nghênh một cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo và bà hi vọng Trung Quốc giữ đúng cam kết này.

Mỹ sắp tuần tra sát các đảo nhân tạo

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh có các thông tin cho biết Mỹ đã quyết định sẽ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên nói vấn đề tuần tra trên có thể đã được thảo luận tại cuộc gặp Mỹ-Úc 2+2.

“Chúng tôi phối hợp với Úc tại các khu vực cụ thể ở Biển Đông. Và chúng tôi đang xem xét các cách thức nhằm mở rộng các cơ hội để hợp tác cùng nhau”, quan chức trên nói.

Một số nhà phân tích tại Washington tin rằng quyết định trên đã được đưa ra và các cuộc tuần tra sẽ diễn ra vào cuối tuần này hoặc vào tuần tới.

“Việc tuần tra trong vùng 12 hải lý là một trong nhiều phương án mà chúng tôi đang cân nhắc”, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ. “Chúng tôi đang đợi quyết định cuối cùng, bao gồm từ Nhà Trắng”.

Các cuộc tuần tra nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản ứng từ phía Trung Quốc.

Hôm 10/10, Trung Quốc đã tuyên bố tiếp tục xây dựng trên các đảo nhân tạo sau khi khánh thành 2 hải đăng trái phép tại quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc luôn nói không quân sự hóa các đảo nhân tạo, nhưng các bức ảnh vệ tinh cho thấy các đường băng trái phép trên các đảo này có thể phục vụ các máy bay chiến đấu.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông theo cái gọi là “Đường lưỡi bò” (Đường 9 đoạn). Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ không ngồi yên trước các vụ xâm nhập lãnh hải trên danh nghĩa tự do hàng hải.

Mỹ khẳng định, việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi ngầm là trái với luật pháp quốc tế và do đó không có vùng 12 hải lý.

An Bình