1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ “soi” cuộc tập trận Nga - Trung

Tư lệnh hạm đội Thái Bình dương của Mỹ cho biết Hải quân nước này "rất quan tâm" đến cuộc tập trận chung đầu tiên của Nga và Trung Quốc, đang diễn ra trong vòng 8 ngày.

Đô đốc Gary Roughead cho hay ông đang theo dõi xem hai nước tham gia tập trận sẽ sử dụng những loại thiết bị quân sự nào, và họ tác chiến ra sao.

 

"Chúng tôi rất quan tâm đến cuộc tập trận này, chúng tôi quan tâm tới các loại khí tài mà họ sử dụng, cách thức phối hợp", Roughead cho biết. "Chúng tôi quan tâm đến độ phức tạp cũng như loại hệ thống thiết bị mà họ đưa ra".

 

Tập trận mang tên "Sứ mệnh hoà bình 2005" khai cuộc hôm 18/8, với sự tham dự của hơn 10.000 binh sĩ Nga và Trung Quốc, thuộc các binh chủng hải, lục và không quân, sẽ diễn ra ở vùng duyên hải Thái Bình dương thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

 

Đô đốc Mỹ từ chối tiết lộ liệu hải quân Mỹ có điều tàu của mình đến tận nơi theo dõi hay không. Ông chỉ nói: "Tôi không bàn về chi tiết các chiến dịch của chúng tôi".

 

Roughead nói thêm rằng ông rất tò mò muốn biết hải quân Nga và Trung Quốc phối hợp chỉ huy và tác chiến như thế nào.

 

Giới phân tích quân sự cho rằng cuộc tập trận này là cơ hội để Nga giới thiệu các loại vũ khí với khách hàng Trung Quốc, đồng thời để hai đối thủ cũ cho thế giới thấy sức mạnh của họ khi bắt tay với nhau.

 

Roughead từng phục vụ 5 năm trong hạm đội Thái Bình Dương, và cho biết ông đã theo dõi Trung Quốc nâng cấp quân lực, đặc biệt là các tàu ngầm tuần tiễu và tàu trên mặt nước. Ông này tiết lộ rằng ông rất tò mò về mục đích của Trung Quốc.

 

"Rõ ràng là họ đang hiện đại hoá nhanh chóng", Roughead nhận xét. "Họ đã mua và sản xuất được những hệ thống khí tài mạnh".

 

Giới phân tích cũng nhận định rằng cuộc tập trận lần này thể hiện mối quan tâm chung của Nga và Trung Quốc đối với tình hình bất ổn ở Trung Á, nơi cả hai quốc gia có lợi ích. Hai nước đều là thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm phần lớn các nước ở Trung Á.

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/IHT, AP