Mỹ rút quân khỏi Syria: "Quyết định đúng nhưng sai thời điểm"
(Dân trí) - Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút quân khỏi Syria đang gây nhiều tranh cãi khi các nghị sĩ Mỹ đồng loạt lên tiếng chỉ trích trong khi người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố từ chức vì bất đồng quan điểm.
Trong một động thái khá bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi Syria sau 4 năm tham gia chiến dịch quân sự chống khủng bố ở đây. Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về quyết định này, Reuters dẫn bình luận của giới chuyên gia cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn nhưng sai cách, sai thời điểm và thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Quân đội Mỹ bắt đầu mở rộng hiện diện ở Trung Đông kể từ năm 2003. Trong đó, chiến dịch quân sự ở Iraq có thể coi là chiến dịch ngốn nhiều tiền của nhất trong lịch sử Mỹ. Kể từ năm 2008, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama và hiện giờ đến lượt ông Donald Trump bắt đầu quyết định để quân đội Mỹ "rút chân" khỏi chiến trường này.
Ông Obama tuyên bố chuyển hướng chính sách với việc xoay trục sang châu Á, tập trung kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính quyền của ông Trump năm ngoái cũng tuyên bố tiếp tục mở rộng chính sách tái cân bằng này nhằm ưu tiên kiềm chế Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc xoay trục không hề dễ dàng khi Mỹ đã dấn quá sâu vào vũng lầy Iraq, Syria và Afghanistan. Năm 2011, ông Obama lệnh rút hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq, song điều đó đồng nghĩa với việc Washington phải "bỏ rơi" các nhóm vũ trang dòng Sunni đã giúp quân đội Mỹ đánh bại khủng bố al-Qaeda. Tàn dư của al-Qaeda sau đó đã tìm cách trỗi dậy ở Syria và dẫn đến sự ra đời của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lực lượng này đã chiếm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở cả Iraq và Syria. Chính quyền của ông Obama khi đó quyết định bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, mở đầu bằng các cuộc không kích, sau đó là đưa lực lượng trên bộ đến Syria.
Quyết định đột ngột của ông Trump về việc rút quân khỏi Syria có thể phản tác dụng. (Ảnh: Reuters)
Hiện giờ, ông Trump muốn rút quân khỏi Syria, mong muốn này hoàn toàn những người tiền nhiệm, nhưng cách mà ông đưa ra quyết định có thể phản tác dụng. Yếu tố bất ngờ có thể là công cụ để loại bỏ đối thủ, nhưng quyết định này của ông Trump dường như chỉ khiến cho các đồng minh, đối tác của Mỹ lúng túng, hoang mang và ngờ vực.
Mỹ dẫn đầu một liên minh quân sự gồm hàng chục quốc gia với chung mục tiêu chống khủng bố ở Syrira, nhưng không một thành viên nào trong liên minh được tham vấn trước về quyết định rút quân của Washington. Một số nước láng giềng của Syria, đáng chú ý là Israel và Iraq, có thể sẽ bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên, bị ảnh hưởng nhiều nhất và ngay lập tức chính là các đối tác của Mỹ hiện diện trong lãnh thổ Syria như lực lượng vũ trang người Kurd, lực lượng Dân chủ Syria (phe đối lập với chính phủ Syria).
Điều kiện tối thiểu để rút quân khỏi Syria gắn liền với uy tín và danh dự của Mỹ đó là phải hỗ trợ các đồng minh người Kurd đàm phán một thỏa thuận với chính quyền Syria (và với Thổ Nhĩ Kỳ) để họ có được cơ chế tự trị nhất định, cho phép họ tiếp tục bảo vệ cộng đồng của mình và chống khủng bố IS ở miền đông Syria. Ngược lại, bỏ rơi họ đối đầu với các thế lực khác sẽ là một thất bại nặng nề của Mỹ.
Một nạn nhân khác hứng chịu hậu quả từ quyết định này chính là các cuộc hòa đàm ở Afghanistan. Giới chức Mỹ đang tiến hành các cuộc hòa đàm với lực lượng Taliban nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan. Tuy nhiên, quyết định rút quân đột ngột khỏi Syria và Afghanistan của ông Trump có thể khiến các cuộc hòa đàm đổ vỡ.
Minh Phương
Tổng hợp